BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Doanh nghiệp “khó”: Cần một cái nhìn khách quan
Thứ Năm, 27/03/2014 02:18
Doanh nghiệp “khó”: Cần một cái nhìn khách quan

Diễn đàn đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tạp chí Kinh tế - Dự báo tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội đã thu hút nhiều chuyên gia chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình về doanh nghiệp và sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Doanh nghiệp yếu sẽ phải đào thải

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, các tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh chung đó, nền kinh tế của Việt Nam cũng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp và nền kinh tế đang đối diện với thực tế rất khó khăn: Sản xuất, kinh doanh bị đình đốn; Sức mua của thị trường giảm; Tín dụng suy kiệt; Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch và là mức thấp nhất trong 10 năm nay; Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động gia tăng; Lượng hàng tồn khó lớn và mức độ giảm còn rất chậm chạp; Sức mua của thị trường đang rất yếu…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, các dự báo gần đây đều bị điều chỉnh giảm, chính phủ các thị trường lớn và tiềm nwng của Việt Nam đều thi hành chính sách thắt lưng, buộc bụng, tăng thuế, giảm chi tiêu công, thất nghiệp tăng cao, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu… Hậu quả tất yếu của quá trình đó đối với Việt Nam là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, trong lúc nền kinh tế đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Đứng trước những khó khăn toàn diện cả trong nước và thế giới như vậy, bức tranh chung của doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện nay rất khó khăn.

Số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 11 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 62.794 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 403.000 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 doanh nghiệp, trong đó 39.936 doanh nghiệp dừng hoạt động và 8.537 doanh nghiệp đã giải thể.

Làm rõ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dự báo trong năm 2012 sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và có khoảng 65.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ông Tuấn nhận định trước đây với đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thì khi doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động với số lượng đáng kể thì được coi là điều bất thường.

Nhưng với con số nêu trên, ông Tuấn cho rằng nó phù hợp với nội lực của nền kinh tế (từ 60.000 - 65.000 doanh nghiệp được thành lập/năm).

Ông Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, căn cứ vào tình hình doanh nghiệp từ năm 2010 - 2012, sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp đã không xảy ra như dự đoán. Các doanh nghiệp vẫn đứng trụ vững đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây có thể coi là lợi thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi tính dẻo dai và quyết đoán, họ có sự chuyển dịch sang tính bền vững hơn như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ…

Thế nhưng, TS. Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ lại cho rằng, con số 55.000 doanh nghiệp bị phá sản và 65.000 doanh nghiệp mới thành lập là chưa chính xác.

Luật gia Vũ Xuân Tiền cũng đồng tình với ý kiến của ông Cao Sĩ Kiêm khi cho rằng không nên đưa thông tin mang tính chất an ủi về số doanh nghiệp bị giải thể và doanh nghiệp thành lập mới mà phải đặt câu hỏi tại sao?.

Nhấn mạnh rằng không có sự tô hồng hay bôi đen với những số liệu “bốc thuốc”, mà bằng những số liệu chuẩn, ông Bùi Anh Tuấn đưa ra lập luận, có doanh nghiệp thành lập thì phải có doanh nghiệp giải thể, nó cũng giống như cơ thể con người, có sự đào thải thì cơ thể mới khỏe và đó là nền kinh tế có sự phát triển.

Dưới con mắt nhà đầu tư nước ngoài, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Công ty AHK (CHLB Đức) tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, việc đào tạo nghề là một vấn đề còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng còn yếu kém.

Bên cạnh đó, ông Marko Walde cũng chỉ ra rằng, để thu hút các đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, tăng sinh lực cho doanh nghiệp Việt Namthì cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước kết nối họ với đầu tư nước ngoài. Ông Marko Walde nhận định 90% công ty ở Đức là các công ty loại vừa và Việt Namlà thị trường hấp dẫn doanh nghiệp Đức.

Chính sách đang không thực sự có hiệu quả

Trước sự khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

  Tuy nhiên, những chính sách được thừa nhận là hay, nhưng khi thực hiện trong thực tế, do nhiều nguyên nhân lại không phát huy được tính hiệu quả.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chính những chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo mô hình cũ trong giai đoạn 2006-2007 là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn tới lạm phát cao và bất ổn vĩ mô của những năm tiếp theo. Nền kinh tế tăng trưởng nóng và mức cầu ảo từ “bong bóng thị trường” đã thúc đẩy và lôi kéo doanh nghiệp “chạy theo” và “ăn theo” những chính sách kích thích kinh tế của thời kỳ đó, nhất là trong ngành bất động sản và các ngành có liên quan.

Nói cách khác, tiêu dùng và đầu tư thiếu thận trọng và quá mức thu nhập thực của nền kinh tế đã dẫn đến sai lệch về phân bố nguồn lực trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế và ở cả từng doanh nghiệp.

Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập còn thiếu công khai, minh bạch trong công tác phổ biến, tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật, thông tin doanh nghiệp.

“Chính sự “mập mờ” về chính sách, pháp luật làm phát sinh nạn nhũng nhiễu, của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình quản lý doanh nghiệp”, ông Cung khẳng định.

“Một nguồn đầu tư và cung khổng lồ đã bị dẫn dắt bởi lực cầu ảo. Nay cầu suy giảm, trở về mức thực tế của nó, đã tạo nên sự chênh lệch lớn giữa cung-cầu (chênh lệch về quy mô, về loại sản phảm và giá cả); và nguồn cung đó thực sự không phù hợp với nhu cầu xã hội và còn yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước”, ông Cung lý giải.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp cũng đã đưa ra khá nhiều giải pháp trong bài trình bày của mình tại Diễn đàn như: thuế, chính sách, tài chính, xúc tiến... Nhưng, ông Cương cũng phải thừa nhận, hiện nay chính sách của ta chưa lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Ông Cương cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng có cần ưu đãi cho DNNVV? Xét trong bối cảnh Việt Nam thì nên có nhiều ưu đãi hơn cho khu vực này bởi sẽ đem lại năng lực cạnh tranh cho toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta không có nhiều chính sách tốt, nhưng những chính sách tốt lại không được thực hiện tốt, nhiều chính sách tốt bị khắc chế bởi những quyết định tồi. Ban hành chính sách của chúng ta cũng thiếu tiếp cận thực tế, có thể chính sách tốt nhưng chưa phải cái doanh nghiệp mong đợi. Công cụ pháp luật ít nghiêm, nhưng quyết định hành chính quá nhiều, tràn lan làm khó cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Đình Ánh thì nhìn nhận, dường như các chính sách chỉ để tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý chứ không phải để hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, cần phải thay đổi lại quy trình làm luật.

Làm gì để giúp doanh nghiệp?

Để giúp doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra 8 điểm nhấn cần quan tâm, giải quyết. Đó là: (1) Cần sự dũng cảm vượt qua định kiến để điều hành hài hòa giữa Nhà nước và thị trường, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, nội địa và nước ngoài. “Hiện quy trình chúng ta bỏ qua, làm ngược bằng cách cho phép độc quyền điều chỉnh giá theo thị trường. Đây là điểm căn bản rất quan trọng”, ông Phong nói.

Thứ hai, với FDI, có lẽ chúng ta hơi coi nhẹ. Với nền kinh tế tương lai, chúng ta phải quan tâm hai vấn đề, để FDI có cơ hội như chúng ta và tránh mặt trái của họ. Hiện FDI 50% thường xuyên báo lỗ. Hanel, Coca Cola… thường lỗ. “Hanel thường xuyên báo lỗ, cảnh báo nếu lỗ giải thể thì năm sau lãi 3 triệu USD ngay”, ông Phong nêu ví dụ.

Quan trọng nữa cần giảm nhanh 3 gánh nặng doanh nghiệp như Nghị quyết 13. “Chúng tôi đánh giá cao Nghị quyết 13 bởi tầm nhìn dài. Đó là giảm thuế, lãi suất và thể chế.  Ông Phong quan ngại: “Với doanh nghiệp lãi 10%/năm, lại vay gấp đôi thì làm sao có lãi. Doanh nghiệp FDI vay thấp, ta vay gấp 5-7 lần lấy đâu cạnh tranh. Lạm phát như thế, lãi suất cao thì lấy đâu cân bằng?”.

Thứ tư, giữ ổn định thị trường tài chính, bất động sản, duy trì ổn định niềm tin về thị trường tài chínhm đặc biệt là thị trường bất động sản gắn với nó là ngân hàng. Thái Lan là bài học. Khi kho công cụ vĩ mô giảm thì gánh nặng này không bình thường.

Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng thể hế mới cho nền kinh tế vận hành. Phát triển kinh tế 2 tầng với tập đoàn kinh tế lớn đa sở hữu và doanh nghiệp nhỏ liên kết với tầng trên. Quan tâm chuỗi cung ứng cho nhau.

Thứ sáu, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Cần chú ý không chỉ quyền sử hữu trí tuệ, đảm bảo pháp lý và hạ tầng đầu ra. “Dường như chúng ta để mặc doanh nghiệp, người dân chiến đấu với bên ngoài. Nhà nước nên coi đây là nhiệm vụ cần chú ý nhiều hơn. Đầu ra ổn định mới định hướng kinh doa hổn định, chứ không phải giá thấp chặt đi”, ông Phong nhận định.

Thứ bảy, phản biện và cảnh báo cho những lạm dụng và kịch bản cần thiết cho khủng hoảng. Cần chú ý bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ doanh nghiệp trong kinh doanh trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Cuối cùng chất lượng thể chế quan trọng. Chú ý tuyền nhân tài, đặc biệt trong đội ngũ đứng đầu. Nếu không người tài không được sử dụng. Cẩn trọng với công chức tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp.

Tuy nhiên để thực hiện những điều trên không dễ. Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo đây là một câu hỏi khó và cần thời gian giải quyết. 3 giai đoạn của quy luật Kỳ diệu - Ác mộng - Khủng hoảng được chuyên gia Lê Đăng Doanh đưa ra vào cuối Diễn đàn. Theo ông, nếu chúng ta vượt qua giai đoạn "Khủng hoảng" thì sẽ rất phát triển như Hàn Quốc đã thành công, còn nếu không sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Doanh nghiệp là bộ phận nòng cốt của nền kinh tế, nếu không tháo gỡ cho doanh nghiệp thì liệu chúng ta có vượt qua được những khó khăn hiện nay?”, ông Doanh kết lại bằng một câu hỏi.

Số lượt đọc: 1578
Thông báo