BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
'Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội sử dụng FDI hiệu quả hơn'
Thứ Tư, 26/03/2014 12:01
'Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội sử dụng FDI hiệu quả hơn'

Nếu không có vốn đầu tư nước ngoài 25 năm qua, kinh tế không được như ngày hôm nay, và theo giáo sư Nguyễn Mại, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để sử dụng tốt hơn nguồn lực quan trọng này.

Trao đổi với VnExpress trước thềm Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra tại Hà Nội sáng nay, ông cho rằng thủ tục hành chính còn "đủng đỉnh", hệ thống pháp luật còn chồng chéo sẽ là những lực cản lớn ảnh hưởng đến năng lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam .

- Không thể phủ nhận những đóng góp của FDI đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, 25 năm cũng là một chặng đường dài và những thành công như vậy liệu đã tương xứng?

- 25 năm là một thời gian dài nhưng nếu so với xuất phát điểm thì như vậy là rất khá. Năm 1991, sau khi hội nhập và bắt đầu thực sự có dòng vốn ngoại đáng kể thì xuất khẩu chỉ đạt 2 tỷ USD. Trong khi đó, trong quý I/2013, mỗi tháng xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 11 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 1991 chỉ bằng 1/6 của một tháng năm 2013.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức thế giới thì gần đây, môi trường đầu tư của Việt Nam từ hấp dẫn nhất thành kém hơn các nước có mức xuất phát điểm tương đương trong khu vực. Các nước này cũng thu hút được nhiều đầu tư từ Mỹ, châu Âu và các nước phát triển công nghiệp nhiều hơn Việt Nam. Như vậy trong 25 năm, so với khởi đầu là khá nhưng so với yêu cầu đuổi kịp với các nước trong khu vực lại là chậm. Chúng ta đã bỏ mất nhiều cơ hội đáng lẽ ra có thể tranh thủ cho FDI hiệu quả hơn.

- Với kinh nghiệm của mình, ông cho biết các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ “chê” nhất điều gì?

- Đó là môi trường đầu tư, trong đó cái bị nhắc đến nhiều nhất chính là thủ tục hành chính còn rườm rà. Nhà đầu tư kêu rất nhiều chuyện phải bỏ quá nhiều thời gian để xin một giấy phép dự án. Khi đã có giấy phép rồi thì việc giải phóng mặt bằng còn lâu la hơn nữa.

Điểm thứ hai khiến môi trường đầu tư chưa hấp dẫn là quá có nhiều văn bản pháp luật chồng chéo lại thiếu tính hệ thống. Ngay cả những người làm luật đôi khi còn không nhớ những văn bản mà mình đã đề ra, cái sau chồng lấn cái trước, Nghị định, thông tư đôi khi lại trái với Luật.

- Ông có thể kể vài ví dụ điển hình để thấy sự rắc rối trong thủ tục hành chính?

- Đó là câu chuyện của Nokia và Samsung. Samsung muốn vài héc-ta đất làm một khu nghiên cứu phát triển ở Hà Nội nhưng họ bị đòi giá đất rất cao khiến không thể triển khai nổi. Theo tôi trong khi Hà Nội đang rất cần các trung tâm nghiên cứu phát triển có thể tạo việc làm cho khoảng 2.000-3.000 kỹ sư như vậy thì quá tốt. Vậy tại sao đòi giá đất cao như thế?

Tương tự trường hợp của Nokia cách đây chừng một năm rưỡi. Chúng ta cứ đủng đỉnh mãi khi họ muốn phát triển dự án tại Việt Nam nên sau cùng, mất hàng năm trao đi đổi lại mới làm được. Ngược lại, nếu triển khai sớm chúng ta sẽ được lợi nhiều hơn.

Rõ ràng, nếu không tranh thủ những cơ hội như vậy mà cứ đủng đỉnh rồi chờ xem có bôi trơn gì không mới triển khai thì sẽ mất rất nhiều cơ hội. Đội ngũ công chức phải có năng lực và đạo đức nghề nghiệp, họ nên lo cho mình một phần thôi và nên lo cho đất nước này nữa. Có thế chúng ta mới cạnh tranh được với các nước.

Dù vậy có những địa phương được các nhà đầu tư đánh giá rất tốt như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... nhưng những điển hình này lại chưa nhân rộng nên vẫn là trở ngại lớn cho nhà đầu tư.

- Những câu chuyện về việc doanh nghiệp FDI lợi dụng kẽ hở của luật pháp Việt Nam hay tình trạng lỗ giả, lãi thật và chuyển giá như vừa qua gây không ít lo ngại. Quan điểm của ông về hạn chế này trong khu vực FDI như thế nào?

- Phải khẳng định có câu chuyện đó nhưng không phải tình trạng phổ biến của doanh nghiệp FDI và không nên chỉ nhìn vào đó mà nói rằng đầu tư nước ngoài có quá nhiều vấn đề như một số quan điểm. Theo tôi đây là cái nhìn hơi thiên lệch.

Câu chuyện giữa Nhà nước và doanh nghiệp luôn là muôn thuở. Anh doanh nghiệp luôn muốn lợi nhuận, nhất là trong khủng hoảng thì càng muốn cắt giảm chi phí, lách luật để trốn thuế... Còn Nhà nước vừa phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng cũng phải có nghĩa vụ thực thi pháp luật. Cho nên không phải chỉ doanh nghiệp nước ngoài mới có kinh nghiệm "lách" mà trong nước cũng làm vậy. Do đó, thay vì kêu toáng lên về vấn đề này thì hãy hoàn thiện hệ thống luật pháp để công khai minh bạch. Ví dụ như chuyện chuyển giá, thời gian gân đây ta mới nói nhiều trong khi đó là chuyện xưa như trái đất mà giờ mới phát hiện thì quá muộn.

- Sau 25 năm, theo thống kê chỉ 5-6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao của thế giới, trên 80% sử dụng công nghệ trung bình, còn lại là thấp và lạc hậu. Có ý kiến cho rằng những gì để lại Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng như kỳ vọng?

- Đừng nghĩ công nghệ chỉ là máy móc, công nghệ còn là đầu óc tiếp cận chúng. Nên hiểu rằng ở đâu cũng vậy, không ai mang công nghệ số 1 sang nước khác đầu tư đâu. Lấy ví dụ của Intel, tôi là người được Chính phủ giao nhiệm vụ làm trưởng nhóm đặc nhiệm vận động Intel vào Việt Nam. Các nhà máy công nghệ cao nhất của họ đều nằm ở Mỹ, Bắc Ireland và Israel. Còn lại, những nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam đều không phải nhà máy số 1. Ta nên hiểu, muốn có công nghệ là của mình thì phải tự nghiên cứu và phát triển. Việc vận động Intel vào Việt Nam với công nghệ loại 2 cũng được xem là rất tốt bởi thành công này có ý nghĩa lan tỏa lớn, có thể kéo các nhà đầu tư công nghệ cao của Mỹ và châu Âu vào.

Phân công quốc tế bao giờ cũng vậy, anh đi trước sẽ chuyển giao thiết bị, năng suất thấp cho người đi sau. Cứ như vậy, vài năm nữa khi Việt Nam khá lên sẽ chuyển cho những nước nghèo hơn. Vấn đề còn lại là bản thân Việt Nam phải biến công nghệ của họ thành của mình.

- Nếu như không có FDI trong 25 năm qua, kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ thế nào theo ông?

- Gần 100 tỷ đôla vốn FDI đã đổ về Việt Nam trong vòng 25 năm qua, tôi lưu ý đây là kết quả thực hiện chứ không phải số vốn đăng ký. Dù 25 năm nhưng thực chất chỉ từ năm 1991 mới thực sự có dòng vốn ngoại lớn chảy về. Như vậy 22 năm thu hút được gần 100 tỷ, bình quân một năm 4,5 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng đầu tư xã hội. Tôi đánh giá đây là con số ấn tượng. Nếu không có vốn FDI, kinh tế khó đạt mức tăng trưởng 7-8% như những năm trước.

Ngoài ra, nếu không có FDI có nghĩa không có 60% kim ngạch xuất khẩu hiện nay. Việt Nam xuất siêu trong năm 2012 công lớn cũng nhờ khối FDI bởi thương mại trong nước vẫn nhập siêu. Đơn cử như trường hợp của Samsung, một doanh nghiệp vào Việt Nam năm 2007 nhưng giá trị xuất khẩu chiếm tới 10% kim ngạch cả nước.

Số lượt đọc: 1544
Thông báo