Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa VN và Myanmar đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm VN của Tổng thống Myanmar Thein Sein (tháng 3/2012) và chuyến thăm cấp Nhà nước Myanmar của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 11/2012). Một bước đột phá quan trọng trong quan hệ song phương là bản Tuyên bố chung giữa Thủ tướng hai nước hồi tháng 4/2010, ghi nhận hai nước không chỉ gia tăng hợp tác trong 12 lĩnh vực kinh tế ưu tiên (nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, tài chính – ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất thiết bị điện, chế tạo và lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại – đầu tư), mà còn hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.
Trong chuyến thăm lần này tại Việt Nam, Phó tổng thống Myanmar và lãnh đạo cấp cao cũng có các buổi làm việc với tại Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM). Tại đây, ngài Nyan Tun cùng đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã giành thời gian lắng nghe và trao đổi về những kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam đã có hoạt động đầu tư tại thị trường Myanmar.
Thay mặt các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar, Chủ tịch AVIM, ông Trần Bắc Hà có báo cáo về tình hình hoạt động đầu tư của các thành viên trong Hiệp hội tại Myanmar và nêu kiến nghị với Chính phủ Myanmar như: bãi bỏ visa cho công dân Việt Nam, sớm ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về Luật đầu tư mới của Myanmar, cũng như Chính phủ hai nước ký kết thêm các Hiệp song phương trên cơ sở 12 nội dung tại tuyên bố chung năm 2010 để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm hiểu và năm bắt cơ hội đầu tư tại Myanmar.
Đại diện Simco Sông Đà, HAGL, BIDV, C.T Group và một số doanh nghiệp thành viên AVIM khác cũng đồng tình với kiến nghị trên của Hiệp hội và đề xuất kiến nghị thêm với ngài Nyan Tun về những khó khăn khác mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Myanmar như: việc xin phép giữa các vùng trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa còn khó khăn, kết nối viễn thông hầu như không có ở những vùng sâu xa nên việc liên lạc rất tốn kém; chưa có hướng dẫn đầu tư theo Luật mới để doanh nghiệp yên tâm việc đương nhiên được áp dụng các ưu đãi của Luật đầu tư mới nếu đã được cấp phép trước đây theo Luật đầu tư cũ; Chính phủ Myanmar chưa có cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư kinh doanh lâu dài tại đây; việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thành lập Khu công nghiệp và tham gia trực tiếp vào lĩnh vực bán lẻ tại Myanmar vẫn còn bị hạnh chế…
Buổi chiều cùng ngày, Ngài Nyan Tun có chuyến thăm Tập đoàn Viettel, FPT và thăm các khu công nghệ cao, khu đô thị tại Hà Nội và TP HCM… Đây là động thái cho thấy, Chính phủ Myanmar dành nhiều quan tâm tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính của Việt Nam trong bối cảnh nước này đang có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng cứng và mềm.
Cùng là thành viên của ASEAN, VN và Myanmar có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Hai nước đều bị đế quốc thực dân phương Tây đô hộ hơn một thế kỷ, và đấu tranh gian khổ để giành độc lập dân tộc. Hai nước đều trải qua nhiều năm bị bao vây cấm vận từ bên ngoài nhưng vẫn giữ vững được ổn định, tự chủ. Hai nước có nền văn hóa lúa nước phong phú trong đó đạo Phật là tôn giáo chính. Những nét tương đồng hiếm có này, cùng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, được thể hiện rất rõ qua các chuyến thăm lẫn nhau, sẽ góp phần to lớn thúc đẩy quan hệ tin cậy giữa VN và Myanmar phát triển không ngừng.
(Cục ĐTNN)