BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Hội thảo, diễn đàn, triển lãm
Vị thế của đối tác phát triển
Thứ Năm, 27/03/2014 02:21
Vị thế của đối tác phát triển

Hôm nay (10/12/2012), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG 2012) với chủ đề “Tạo lập nền tảng cho sự phát triển bền vững” chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Thêm một lần nữa, Việt Nam - với tư cách là quốc gia huy động tài trợ, lại cùng với các đối tác phát triển bàn thảo về các cơ chế sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tìm kiếm nguồn vốn quan trọng với những điều kiện ưu đãi bổ sung thêm nguồn lực vào nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, giải tỏa những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả công cuộc xoá đói, giảm nghèo... mà Việt Nam đã liên tục đạt được kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua.

CG 2012 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Trên bình diện quốc tế, kinh tế thế giới trải qua 1 năm đầy biến động, nợ công ở các nước phát triển tăng cao, nguy cơ trì trệ chưa được đẩy lùi.

Trong nước, những hệ quả của thời kỳ tăng trưởng thiên về chiều rộng, sự mở rộng quá mức về tín dụng, đầu tư và hoạt động đầu cơ vào các tài sản phi sản xuất, cũng như việc dồn nguồn lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để chống đỡ các khó khăn của năm 2011, khiến nguồn lực và công tác điều hành năm 2012 thêm phần phức tạp và khó khăn.

Thực trạng này đang đặt lên vai Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế năm 2013, năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015) những trọng trách và quyết tâm vô cùng lớn để có thể đạt được mục tiêu đã xác định. Đó là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Như vậy, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ Việt Nam đã xác định, thì nguồn hỗ trợ mà kinh tế Việt Nam cần để bổ khuyết cho các phần thiếu hụt vẫn khá lớn. Tuy nhiên, năm 2013 là năm thứ ba Việt Nam có tên trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Có nghĩa là, các khoản ODA sẽ giảm đi, thế chân vào đó những khoản vay sòng phẳng hơn, các điều kiện ràng buộc phù hợp với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, để đối phó với những những khó khăn nội tại, nếu không nhanh chóng thực thi các quyết sách tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã cam kết, thì nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển đã từng gặp phải, có thể sẽ rất cao đối với Việt Nam. Và điều Việt Nam cần lúc này không dừng lại ở các nguồn vốn hỗ trợ, mà quan trọng hơn là sự tư vấn, đối thoại chính sách từ các đối tác phát triển, những quốc gia đi trước trong phát triển kinh tế thị trường…

Chính vì vậy, CG 2012 sẽ là CG cuối cùng được tổ chức với phương thức là hội nghị của các nhà tài trợ cho Việt Nam. Theo một tiến trình tất yếu của yêu cầu phát triển của Việt Nam và các nhà tài trợ, vào năm tới, một diễn đàn mới có tên gọi Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sẽ chính thức ra mắt. Các bên tham gia sẽ là những đối tác cùng đối thoại với Chính phủ Việt Nam về các mục tiêu phát triển phát triển và cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam. Và đúng như bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng nói trong cuộc họp báo trước thềm CG 2012: “Việt Nam đã qua giai đoạn coi CG là một diễn đàn để tìm kiếm các nguồn tài trợ, mà thực sự đã trở thành một đối tác phát triển”.

Số lượt đọc: 1637
Thông báo