Vai trò quan trọng của nỗ lực cải
cách
Đầu tháng 6 này, Quốc hội đã thông
qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu
Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), một kết quả quan trọng cho chặng
đường dài hai bên đã trải qua.
Các hiệp định này được đánh giá là
hòn đá tảng trong chính sách kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh
châu Âu (EU)
Tại buổi đối thoại giữa Hội đồng tư
vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng với doanh nghiệp châu Âu, Chủ
tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cho
rằng, hiện nay là thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA sau khi Việt
Nam đạt được những kết quả ấn tượng trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi
phục sau đại dịch và EVFTA sẽ là “cú hích” thúc đẩy quan hệ thương mại song
phương.
Để EVFTA có hiệu lực và có sức lan
toả mạnh mẽ, Chủ tịch EuroCham cho rằng các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU
và doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thực thi
hiệu quả; thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức
trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.
Quan trọng hơn cả, Việt Nam cần nỗ
lực để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư
cởi mở hơn cho doanh nghiệp.
Khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8,
một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực
trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi
trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.
“Trong khi các nền kinh tế khác trên
thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam
đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty châu Âu –
những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với
doanh nghiệp”, ông Nicolas Audier chia sẻ.
Những đề xuất phục hồi nền kinh tế
hậu Covid-19
Bên cạnh các biện pháp hiệu quả để
ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh,
nhiều biện pháp lâu dài khác có thể được áp dụng để hỗ trợ cộng đồng trong nước
cũng như nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam
hậu Covid-19.
EuroCham trong Sách Trắng 2020
khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo các chính sách hỗ trợ được áp dụng cho doanh
nghiệp nước ngoài bởi đây là khu vực doanh nghiệp có đóng góp lớn cho GDP của
Việt Nam, sức tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của
đất nước.
Việt Nam không chỉ cần bảo vệ các
doanh nghiệp nội địa mà còn cần hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, những nhân
tố có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu,
một khi dịch bệnh được kiểm soát và thương mại toàn cầu trở lại bình thường.
Điều này cũng đảm bảo tuân thủ cam
kết trong các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam đã là thành
viên hoặc sớm đưa vào triển khai trong thời gian tới, bao gồm EVFTA.
Việt Nam có cơ hội vàng thu hút FDI
từ doanh nghiệp châu Âu
EuroCham khuyến nghị Việt Nam cần
đảm bảo các chính sách hỗ trợ được áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, EuroCham đề xuất Chính phủ
cân nhắc ban hành gói cứu trợ hỗ trợ doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực cần
thiết cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Sự chia sẻ về
tài chính từ Chính phủ, dù ở mức độ nào trong phạm vi ngân sách và cân đối với
ổn định kinh tế vĩ mô, là rất cần thiết.
Đại dịch Covid-19 đã tác động gần
như mọi lĩnh vực, ngành nghề và chỉ có một số ít ngoại lệ, vì vậy điều quan
trọng là gói cứu trợ này cần đảm bảo công bằng, không giới hạn cho một nhóm nhỏ
các ngành công nghiệp ưu tiên.
Đồng thời, gói cứu trợ nên truyền
tải tinh thần động viên doanh nghiệp. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng sẽ giúp
lan tỏa sự sẻ chia và tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp
châu Âu tại Việt Nam kiến nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm tài
chính 2020 cho tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Chính sách hỗ trợ không nên giới hạn
chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp lớn
hoạt động trong các ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19 cũng bị ảnh
hưởng rất nặng nề.
Bên cạnh đó, giảm 50% thuế thu nhập
cá nhân cho toàn bộ người nộp thuế ở Việt Nam trong năm tài chính 2020; giảm
50% thuế giá trị gia tăng cho năm tài chính 2020 để kích cầu và tiêu thụ, hỗ
trợ nền kinh tế và toàn xã hội phục hồi và giảm 50% khoản đóng góp bảo hiểm xã
hội bắt buộc trong năm 2020 cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng.
EuroCham cũng đề nghị có thêm các
gói kích thích kinh tế để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, bao gồm khu vực tư
nhân, hồi phục sau khủng hoảng.
Phạm vi cứu trợ rộng rãi sẽ góp phần
giữ chân lực lượng lao động trên quy mô lớn, và thực tế cũng cho thấy gia tăng
số lượng người lao động sẽ góp phần kích cầu kinh tế trong nước.
Thứ ba, nắm bắt cơ hội hợp tác với
cộng đồng quốc tế. EuroCham nhận định dù dịch Covid-19 có cản trở, năm 2020 vẫn
sẽ đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ quốc
tế của Việt Nam.
Việt Nam hiện là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vì vậy, Việt Nam có thể
cân nhắc tổ chức một hội nghị mang tầm cỡ khu vực, có sự tham gia của các chủ
thể lớn quốc tế, để thảo thuận về các gói cứu trợ và kích thích kinh tế trong
khu vực ASEAN, EuroCham khuyến nghị.