Dự kiến, hôm nay (8/6), Quốc hội sẽ
thông qua EVFTA, EVIPA. Có thể khẳng định, thời điểm Việt Nam thông qua hiệp
định này là quá đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng
tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và EU. Vì thế, dường như hiện chưa
phải là thời điểm phù hợp để bàn về việc kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì
từ EVFTA, EVIPA.
Hiện một số nền kinh tế châu Âu vẫn
đang thực hiện các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động thương mại, đầu tư giữa
Việt Nam và EU đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xuất khẩu từ Việt Nam sang EU
trong 5 tháng qua chỉ đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt
trên 400 triệu USD, một con số không cao.
Nhưng đó là câu chuyện trong ngắn
hạn. Khi đại dịch qua đi, sẽ là lúc để Việt Nam thực hiện các giải pháp để hiện
thực hóa các tính toán về lợi ích mà EVFTA và EVIPA mang lại cho nền kinh tế,
bao gồm cả trong thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP... Đây
chính là “cửa” giúp kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục sau khi Covid-19 được
ngăn chặn trên toàn cầu.
Thậm chí, hơn cả như vậy, trong bối
cảnh Việt Nam đang xây dựng các kịch bản phát triển quốc gia sau đại dịch, thì
việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đón đầu sự dịch
chuyển của dòng đầu tư quốc tế nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng
như đón đầu sự điều chỉnh của các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới mới.
EVFTA và EVIPA, giống như các hiệp
định thương mại thế hệ mới khác, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và
tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính là chất xúc tác để Việt Nam tiếp
tục con đường cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách
không phải chỉ để thực hiện các cam kết của EVFTA, EVIPA, mà còn cải cách là vì
tự thân sự phát triển của Việt Nam.
Lâu nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn
được xếp ở nấc thang thấp hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để bước lên nấc
thang cao hơn của chuỗi giá trị, cải cách thể chế, chuẩn bị một chương trình
tái cơ cấu kinh tế chuẩn xác hơn, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để
tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài là
con đường mà Việt Nam phải đi. Như vậy mới có thể“nâng cấp” được nền kinh tế,
nhất là khi một giai đoạn phát triển mới của đất nước đang bắt đầu.
Năm ngoái, khi CPTPP có hiệu lực,
thì việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với những quy định về lao động,
minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi
mới, cải cách thể chế, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết
lập các cơ chế quản lý mới… Năm nay, khi EVFTA, EVIPA chuẩn bị được các đại
biểu Quốc hội bấm nút thông qua, điều này lại một lần nữa được nhắc tới.
Đây chính là những lợi ích to lớn mà
Việt Nam đạt được khi tham gia CPTPP, EVFTA, EVIPA nói riêng, cũng như các hiệp
định thương mại tự do (FTA) khác nói chung. Những lợi ích này, dù không được
đong đếm bằng từng đồng USD xuất khẩu thêm, hay từng dự án đầu tư được cấp
mới…, nhưng lại có tác động sâu rộng và toàn diện đến nền kinh tế, đến sự phát
triển của Việt Nam.
Có thể nói, các FTA của Việt Nam với
EU hiện nay, hay với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu, hay CPTPP… trước đây,
đều đang góp phần quan trọng mở rộng cánh cửa tương lai, tạo không gian mới cho
kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng. Điều này càng có ý nghĩa hơn
bao giờ hết, khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19.
Tất nhiên, EVFTA, EVIPA không phải
là chiếc đũa thần. Nhưng bằng nỗ lực cải cách, bằng cách chắt chiu và tận dụng
từng cơ hội do những hiệp định này mang lại, dù là trong thúc đẩy xuất khẩu hay
thu hút đầu tư…, kinh tế Việt Nam sẽ thực sự có được vận hội phát triển mới.