- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 11/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, có 152 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,2 tỷ USD (chiếm 50,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện (chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư); hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống đứng thứ 3 (chiếm 0,3% tổng vốn đầu tư). Còn lại là một số lĩnh vực khác.
- Theo đối tác đầu tư: Hiện nay, đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Nam Định. Trong đó đứng đầu là Singapore có 10 dự án và 2,3 tỷ USD (chiếm 54% tổng vốn đầu tư). Hồng Kông đứng thứ hai (chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,…
Trong giai đoạn 1988-20/8/2019,tỉnh Nam Định thu hút được 99 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD chiếm 79,2% tổng vốn đầu tư vào Nam Định. Từ ngày 20/08/2019 đến 31/10/2024 trong 05 năm đã thu hút được 64 dự án, với tổng vốn đăng ký 864,2 triệu USD, bằng 25% giai đoạn 1988-20/8/2019, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư vào Nam Định.
Để thu hút FDI đạt hiệu quả cao, thời gian tới, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng: Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm. Tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, đồng thời công khai quy hoạch để các nhà đầu tư và nhân dân nắm rõ định hướng của Tỉnh. Tăng cường sự tham gia của các DN, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư trong quá trình lập các quy hoạch.
Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp, KCN. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực về vốn, công nghệ tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc các cụm công nghiệp để tạo điều kiện thu hút các dự án. Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết một số KCN có vị trí thuận lợi để thực hiện các thủ tục thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng.
Cần hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các KCN, cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của DN. Thực hiện tốt mô hình “một cửa” tại các Sở ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực hiện đăng tải, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của Trung ương và của Tỉnh trên các kênh truyền thông của tỉnh Hải Dương.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Tỉnh theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với nhu cầu của các DN. Chú trọng đào tạo một số ngành công nghiệp như: Cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng mới, du lịch, khách sạn, thương mại... Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao.
- Nâng cao hiệu qủa công tác vận động, xúc tiến đầu tư (XTĐT): Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư XTĐT theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hoá các kênh vận động, XTĐT thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín lớn trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức XTĐT của nước ngoài tại Việt Nam. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp trong việc tiếp cận, vận động XTĐT. Thực hiện tốt công tác XTĐT tại chỗ thông qua việc đồng hành cùng DN, giải quyết nhanh các khó khăn, đề xuất của các DN đã và đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hoặc các hình thức để thúc đẩy, hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao, đảm bảo phát triển các ngành và lĩnh vực ưu tiên./.