BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Quốc gia
Dự án BOT ngành điện không lo PPP
Thứ Năm, 09/04/2015 04:58
Dự án BOT ngành điện không lo PPP

Nhiều dự án điện có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) chưa ký tắt được hợp đồng đang theo dõi sát sao Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có hiệu lực từ ngày 10/4.

Có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.980 MW (3 x 660 MW), Dự án Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 3 là dự án lớn nhất tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) đã được Chính phủ đồng ý giao Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân (VTEC) phát triển theo hình thức BOT theo Công văn số 289/VPCP-KTN ngày 14/1/2010. Các đối tác tham gia dự án này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (29%), Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (22%), Tổ hợp One Energy (49%, gồm The CLP Group và Mitsubishi Corporation).

Công ty VTEC cũng đã trải qua 5 phiên đàm phán hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ với Bộ Công thương kể từ tháng 7/2013, nhưng hiện vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất phải tiếp tục đàm phán. Khi ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu vào tháng 11/2013, VTEC đã lên kế hoạch khởi công xây dựng vào quý III/2014 và dự kiến hòa lưới tổ máy đầu tiên trong năm 2018.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Xuân Dương, Phó giám đốc VTEC cho hay, theo đánh giá của tư vấn luật cho VTEC, các điều khoản 37, 60, 63 và 72 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có thể ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án đang làm hiện nay. “Chúng tôi sẽ có cuộc hội thảo nội bộ để thảo luận về ảnh hưởng từ những điều khoản này đến quá trình đàm phán các hợp đồng liên quan của Dự án”, ông Dương nói.

Các điều khoản còn lại dường như không khác biệt so với Nghị định 108/2009/NĐ-CP, mà các dự án BOT ngành điện đang áp dụng để thực thi thời gian qua. Thậm chí, ông Dương còn cho rằng, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP hợp với thông lệ quốc tế hơn so với Nghị định 108/2009/NĐ-CP.

Những vấn đề được nhà đầu tư dự án BOT điện nêu ra ở trên liên quan tới việc áp dụng luật pháp nước ngoài (Điều 37), bảo đảm cân đối ngoại tệ (Điều 60), giải quyết tranh chấp (Điều 63) và quy định chuyển tiếp (Điều 72). Đây là những điều khoản có liên quan mật thiết tới việc đàm phán thành công các hợp đồng trong dự án BOT ngành điện.

“Sau khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP được ban hành, chúng tôi đã tiến hành rà soát lại và nhận thấy không ảnh hưởng nhiều so với việc thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, song thực tế cuối cùng ra sao phải chờ tới khi có thông tư hướng dẫn thi hành mới biết chính xác. Tuy nhiên, điều  chắc chắn là phải chỉnh lại hồ sơ cho phù hợp với quy định mới”, ông Dương cho biết.

Một chuyên gia đàm phán các dự án BOT của Bộ Công thương cũng cho rằng, các chủ đầu tư không nên quá lo về Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, vì các hồ sơ liên quan của dự án BOT điện đang thực hiện theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP không khác biệt nhiều so với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Tất nhiên, theo chuyên gia này, các dự án chưa ký tắt được hợp đồng sẽ phải bổ sung hồ sơ theo quy định mới.

Liên quan đến điểm 2, Điều 72, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định việc báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) được phê duyệt trước ngày nghị định này có hiệu lực thì không phải phê duyệt lại, chuyên gia đàm phán dự án BOT cho rằng, những FS chưa phê duyệt cũng không đáng lo.

“Các dự án BOT điện thời gian qua lập FS khá chuẩn, nên dù chưa phê duyệt theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, thì cũng không gặp khó khăn gì để được phê duyệt theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP”, chuyên gia này nói.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP yêu cầu đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu, các nhà đầu tư đề xuất dự án được dự án phê duyệt sẽ được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, trong số các dự án BOT điện đang đàm phán hiện nay, chỉ có Dự án BOT Ô Môn 2 (Cần Thơ) chưa xác định được chủ đầu tư phát triển dự án. Như vậy, chỉ có một dự án này phải thực hiện theo quy trình chuẩn của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Số lượt đọc: 686
Thông báo