Thời gian qua, rất nhiều 'ông lớn' trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đã tìm đến Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp phần cứng với quy mô lớn như Intel (với nhà máy chip tại TP.HCM), Microsoft (nhà máy lắp ráp smartphone Nokia tại Bắc Ninh), LG và nhất là Samsung (với 2 cụm nhà máy lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên). Riêng Samsung tính tới nay đã rót hơn 12,6 tỷ USD, trong năm 2014 là 5,4 tỷ USD. Do đó, việc xác định mục tiêu 5 tỷ USD FDI thu hút thêm từ nay đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Đồng thời, lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 15%/năm. Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là 1 trong 10 nước đi đầu về gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia. Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm
Một trong những nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm. Theo đó, Nhà nước sẽ triển khai lựa chọn sản phẩm. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.
Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong CQNN, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các phần mềm cho các hệ thống lớn, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở và trên nền công nghệ mở. Chương trình cũng nhấn mạnh việc phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các công cụ, dịch vụ tìm kiếm trên mạng....
Trong lĩnh vực phần cứng, Chương trình nêu rõ: cần đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phần cứng, tích hợp hệ thống mà Việt Nam có lợi thế hoặc vì yêu cầu an toàn an ninh; các sản phẩm vi mạch, điện tử, bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng-điện tử; đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm an toàn thông tin, sản phẩm CNTT phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Cung cấp một số dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh
Cũng theo Quyết định, cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực làm dịch vụ CNTT; hỗ trợ các nội dung để phát triển một số tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, chuyển giao, cung cấp một số dịch vụ CNTT mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hoặc có hàm lượng chất xám cao, hoặc có khả năng xuất khẩu, hoặc được sử dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, hoặc dịch vụ CNTT trên mạng mà có khả năng định hướng thông tin như các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, công cụ dịch, các sản phẩm giải trí trên mạng.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.
Hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế; Nhà nước sẽ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dữ liệu và dịch vụ phân tích dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.