BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Quốc gia
Doanh nghiệp FDI mong muốn đầu tư bền vững tại TP.HCM
Thứ Sáu, 06/03/2015 11:08
Doanh nghiệp FDI mong muốn đầu tư bền vững tại TP.HCM

Hình thành môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính - thuế - hải quan; tăng cường đầu tư hạ tầng - nhân lực được xem là những kiến nghị chính của các Hiệp hội DN nước ngoài và doanh nhân đầu tư trực tiếp nước ngoài tại cuộc Gặp gỡ đầu năm 2015 giữa Lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp nước ngoài do UBND TP.HCM tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP.HCM sáng ngày 4/3/2015.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc BOSH Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo EuroCham:

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc BOSH Việt Nam
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc BOSH Việt Nam

Thách thức rất lớn của TP.HCM về hạ tầng là giao thông công cộng, EuroCham kỳ vọng muốn tham gia cùng Thành phố giải quyết bài toán giao thông của Thành phố.

Đồng thời, trong lĩnh vực phát triển bền vững về giải pháp xanh, nhiều thành viên EuroCham có các giải pháp bền vững sẵn sàng hỗ trợ tham gia vào phát triển năng lượng xanh cho Thành phố.

Thứ ba, EuroCham kỳ vọng tham gia mở rộng đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực đào tạo, giáo dục phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao.

Về khuôn khổ pháp lý, EuroCham kỳ vọng sự minh bạch hợp lý và thiết lập sân chơi bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước. Hiện nay những nỗ lực này đã được thực hiện nhưng chúng tôi mong muốn sẽ tiến bộ này sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2015.

Chỉ số đo lường môi trường đầu tư Việt Nam nói chung được EuroCham tổ chức thường niên đang có tiến triển rất ấn tượng, điều này cho thấy sức hút lớn của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung với nhà đầu tư châu Âu.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham

Amcham đề xuất sớm hoàn tất đàm phán để đẩy nhanh kết thúc đàm phán TPP.

Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần tạo cơ chế để DN Việt Nam tăng cường cung cấp nguyên vật liệu và tham gia một cách tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ tích cực hơn cho các dự án FDI đang ngày càng tăng và mở rộng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi rất quan ngại thay đổi Luật Di trú có hiệu lực từ 1/1/2015, doanh nhân Mỹ chỉ được cấp visa có thời hạn 3 tháng và chỉ có hiệu lực 1 lần. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc cấp visa di trú cho công dân Việt Nam đi du học vào Mỹ và tác động không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Có thể tham chiếu cách Chính phủ Mỹ - Trung Quốc hoàn tất thỏa thuận cấp visa DN làm ăn trong 10 năm và được gia hạn nhiều lần nên tạo điều kiện thuận lợi lớn cho DN Hoa Kỳ đầu tư ra hải ngoại. Ngoài ra, việc chậm nộp thuế VAT của một số DN đã gây khó khăn trong việc không được hỗ trợ hoạt động.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó chủ tịch HH DN Nhật Bản (JBAH)

Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó chủ tịch HH DN Nhật Bản (JBAH)
Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó chủ tịch HH DN Nhật Bản (JBAH)

Đầu tư trực tiếp Nhật Bản vào Việt Nam có sụt giảm nhưng chỉ là hiện tượng tạm thời. Vì số DN Nhật đến văn phòng Jetro tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam không hề giảm, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có sự tăng trưởng rất mạnh.

Khảo sát Jetro cho thấy, môi trường đầu tư và thủ tục hành chính còn chưa minh bạch, thủ tục thuế và hải quan còn rườm rà đặc biệt là thời gian xử lý kéo dài. Giá thành nguyên vật liệu tăng 3,2% cũng ảnh hưởng rất lớn, trong khi về công nghiệp hỗ trợ sự đóng góp của DN Việt Nam về nguyên vật liệu chỉ đạt 14,4% (so với Thái Lan là 21%), do vậy Chính quyền cần hỗ trợ để DN Việt Nam tăng trưởng hoặt động tốt trong lĩnh vực này để tăng thuận lợi, hỗ trợ tốt hơn cho DN FDI vào Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sớm có chính sách riêng để hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh (có thể tham chiếu mô hình phát triển của Nhật Bản).

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions)

Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Vietnam Waste Solutions
Ông Kevin Moore

VWS luôn hòan thành tất cả những vấn đề chúng tôi cam kết với TP.HCM. Mới đây TP.HCM có yêu cầu VWS tiếp nhận thêm lượng rác mới do Thành phố đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp, do vậy chúng tôi sẽ phải đầu tư nâng công suất tiếp nhận từ 3.000 tấn lên 5.000 tấn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động chúng tôi đã gặp phải 3 khó khăn.

Thứ nhất, VWS đã đầu tư mở rộng, tuy nhiên Thành phố vẫn chưa phê chuẩn về đề xuất tăng đầu tư mở rộng công suất và tăng khối lượng tiếp nhận xử lý như yêu cầu đề ra ban đầu. Thứ hai, ý kiến của lãnh đạo Thành phố hiện nay chưa đồng nhất, có ý kiến đồng thuận có ý kiến cho rằng VWS đang độc quyền trong xử lý chất thải, tôi cho rằng nếu nhìn ở góc độ cung ứng dịch vụ đô thị thì thông lệ thế giới trong xử lý chất thải, điện, nước khi có nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ giúp chi phí xử lý và phục vụ giảm xuống đáng kể và tạo hiệu quả cao trong đầu tư xử lý chất thải. Thứ ba, thực tế từ 9 tháng vừa qua khi luật Thuế có hiệu lực, VWS đã đóng hơn 1,1 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ nhưng vẫn chưa được hoàn đồng thuế nào. Đây thật sự là một sự khó khăn cho VWS khi chúng tôi đang phải tập trung nguồn lực đầu tư dự án Long An quy mô giai đoạn 1 hơn 500 triệu USD nhưng lại gặp phải khó khăn trong việc gia hạn mở rộng đầu tư tại Thành phố, cũng như tiếp nhận đã làm nản lòng nhà đầu tư như chúng tôi.

Ông Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Siemens Việt Nam, Phó Chủ tịch HH DN Đức tại Việt Nam

Chúng tôi kiến nghị chính quyền TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án tàu điện ngầm. Siemens cam kết sẽ hỗ trợ tích cực một cách có trách nhiệm vào các dự án này cùng các dự án hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho các trường đại học tại Việt Nam.

Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam

Chúng tôi mong muốn chính quyền đẩy mạnh hỗ trợ DN phát triển nhà cung ứng địa phương, Chính phủ nên xem lại phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN này hoạt động để họ có thể đáp ứng và cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà đầu tư công nghệ cao đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Global Cyber Soft

GCS hoạt động chủ yếu về gia công phần mềm với hơn 900 kỹ sư nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi đã phải từ chối nhiều hợp đồng lớn, chảy máu chất xám do không tìm kiếm được nhân lực phù hợp trong khi thị trường gia công phần mềm là khổng lồ với sự tăng trưởng ấn tượng. Khi so sánh các điều kiện tham chiếu, Việt Nam rất tương đồng với Philippines nhưng vẫn không đủ người cung cấp cho khách hàng dù tốn rất nhiều công đào tạo. Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu cân đối cung cầu về nhân lực CNTT. Theo tôi, Thành phố cần phối hợp DN xây dựng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu thị trường.

Ông Yutaka Watanabe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Towa (Nhật Bản)

Hiện nay nhiều DN FDI gặp khó khăn vì Việt Nam điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng quá nhanh và mạnh dẫn đến DN FDI gặp khó khăn trong việc tính toán chi phí sản xuất. Việt Nam có DN cung cấp công nghiệp phụ trợ nhưng đa phần sử dụng máy móc rất cũ kỹ, không đáp ứng yêu cầu về mặt công nghệ về sản xuất linh kiện. Nên chăng Chính phủ cần có chính sách cho vay để khối DN này đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.

Số lượt đọc: 397
Thông báo