Chiều ngày 3/2/2014, Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cùng với đại diện
Lãnh đạo Vụ Pháp chế và Vụ Kinh tế đối ngoại đã có cuộc làm việc với GAO về cập
nhật tình hình đầu tư của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời tìm hiểu
về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Tham
gia cuộc họp về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có đại diện của Vụ Pháp chế và Vụ
Kinh tế đối ngoại, về phía Hoa Kỳ có đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt
Nam.
Tại cuộc họp, liên quan
đến đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam,
ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính
đến hết tháng 1/2015, Hoa Kỳ có 717 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt
khoảng 10,937 tỷ USD và xếp
thứ 7/101 Quốc gia và vùng
lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Phân theo ngành, các nhà đầu tư Hoa
Kỳ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ
thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch
vụ lưu trú và ăn uống với 16 dự án có tổng vốn đầu tư đạt 4,7 tỷ USD (chiếm khoảng
42% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực công
nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với 318 dự án và tổng vốn đầu tư là 2,2 tỷ
USD (chiếm khoảng 20% vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Đây cũng là lĩnh vực
thu hút nhiều dự án nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh bất
động sản đứng thứ 3 với 13 dự án có vốn đăng
ký gần 2,05 tỷ USD (chiếm khoảng 19% về vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Phân
theo hình thức đầu tư, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Hoa Kỳ
đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm 75% về vốn đăng ký) với 582
dự án và 8,14 tỷ USD vốn đăng ký. Hình thức liên doanh có 110 dự án với 2,6 tỷ
USD vốn đăng ký (chiếm 23,73% về vốn đăng ký). Còn lại là hai hình thức công ty
cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Phân theo địa phương, trừ lĩnh vực dầu
khí, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ
yếu tập trung tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm kinh tế phía
Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế
năng động nhất của cả nước như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Cà Mau, TP Hồ Chí
Minh, Bình Dương..
Liên
quan đến vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam, Tính đến hết tháng 1 năm 2015, Trung
Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) có 1092 dự án còn hiệu lực tại Việt
Nam với tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD. Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong số 101 quốc
gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô các dự án đầu tư trung
bình cho mỗi dự án đầu tư của Trung Quốc chỉ hơn 7 triệu USD/dự án – đây là mức
thấp so với trung bình của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam. Phân
theo ngành, các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong
lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 752 dự án, tổng vốn
đăng ký là 4,2 tỷ USD, chiếm 68,8% số dự án và 53,3% tổng vốn đầu tư;
tiếp theo là lĩnh vực sản xuất,
phân phối điện,
khí nước điều hoà với chỉ 4 dự án đạt hơn 2 tỷ USD (chiếm 2572 % tổng vốn đầu
tư). Còn lại là các dự
án đầu tư trong các lĩnh vực khác.
Phân theo hình thức đầu tư, vốn đầu tư của
Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 826 dự án, tổng vốn
đầu tư hơn 4 tỷ USD, chiếm 75,64% số dự án và 50,4% tổng vốn đăng
ký; tiếp theo là hình thức hợp đồng BOT, BT và BTO với chỉ 3 dự án nhưng số vốn đạt 2,3 tỷ USD.
Tiếp theo là các hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và công ty cổ phần. Phân theo địa phương, Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng
chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận
lợi, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều người Hoa sinh sống (Lào
Cai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng). Bình Thuận có số vốn đầu tư của
Trung Quốc cao nhất
(hơn 2 tỷ USD), Lào Cai đứng thứ hai với 22 dự án và tổng vốn đăng ký
trên 803 triệu USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư; Tây Ninh đứng thứ 3 với 27 dự
án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 727 triệu USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp
theo là Quảng Ninh, Bình Dương, Hải
Phòng và các
địa phương khác.
Đồng thời, tại cuộc gặp, hai bên cũng
trao đổi về những lợi ích cũng như thách thức Việt Nam có thể sẽ gặp khi tham
gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. Bà Vũ
Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, tham gia Hiệp định TPP sẽ
mang lợi nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường
và tiếp cận với các nền kinh tế phát triển để có thể học tập và chuyển giao
công nghệ. Đồng thời, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ là động lực thúc đẩy các
doanh nghiệp trong nước tái cơ cấu tạo tăng trưởng để cạnh tranh với các doanh
nghiệp nước ngoài. Hơn thế nữa, tham gia TPP cũng đòi hỏi Việt Nam phải cải
cách thể chế theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, tham gia Hiệp
định TPP cũng có nhiều thách thức, có thể kể đến sức ép rất lớn từ các doanh
nghiệp nước ngoài với lợi thế về vốn và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước.
ngoài ra, hiệp định này cũng tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, khả năng cạnh
tranh của doanh nghiệp Việt Nam đối với quốc tế. Một số ngành và địa phương như
nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cùng
với các thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực... là những
vấn đề Chính phủ Việt Nam cần quan tâm khi tham gia Hiệp định TPP.
Kết thúc cuộc họp, ông Đặng Xuân Quang
cho biết trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy
hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặc biệt trong năm 2015 là năm kỷ niệm
20 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Việt Nam hy vọng các nhà đầu
tư Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa tại Việt Nam trong thời gian tới.