Trên đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc đối thoại cởi mở với khoảng 150 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức” tổ chức ngày 30-3 tại Hà Nội.
Khẳng định Chính phủ là để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, ông Vinh phản bác quan điểm phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
“Không coi doanh nghiệp tư nhân bằng doanh nghiệp nhà nước là thế nào? Nhà nước phục vụ nhân dân, thì phải phục vụ doanh nghiệp tư nhân chứ. Lúc đó người dân hưởng lợi, đất nước hưởng lợi. Không thể có chuyện Nhà nước phục vụ DNNN mà không phục vụ DNTN”.
“Không thể có chuyện nhà nước như bề trên để yêu cầu, đòi hỏi họ [DNTN]. Sao không nghĩ là doanh nghiệp làm ra tiền để nuôi bộ máy nhà nước”, ông Vinh nói.
“Bộ máy nhà nước phải phuc vụ chứ không phải cai trị”, ông nói, và cho rằng Dự luật Chính quyền địa phương sắp tới sẽ phải xử lý vấn đề này.
Sau những nhận xét thẳng thắn với giới doanh nghiệp, ông Vinh thừa nhận thực tế: “Nhưng đây là quá trình khó khăn vô cùng, vì không có gì khó bằng đổi mới chính mình. Chúng ta có thể chiến thắng kẻ thù trước mặt, nhưng khó thắng chính mình, tước đi những quyền lợi của mình”.
Bộ trưởng cho biết ông đã trình một số văn bản đến các cơ quan chức năng cao hơn để xác định một số thị trường mà nhà nước không cần làm.
Lấy ví dụ dịch vụ công cần được thị trường hóa, ông nói: “Không thể nhà nước cái gì cũng ôm. Cái gì tư nhân làm được thì để doanh nghiệp tư nhân làm chứ….”.
“Dịch vụ công phải của xã hội làm. Ai cung cấp được dịch vụ công chất lượng tốt nhất, rẻ nhất thì người đó sẽ làm”, ông nói.
Bộ trưởng bổ sung thêm, minh bạch là một yêu cầu bắt buộc cho cả Chính phủ, và DNNN. Ông kể, gần đây đối thoại với doanh nghiệp, có doanh nghiệp châu Âu kêu ca là họ không làm gì được ở thị trường này.
Ông kể: “Tôi hỏi lý do, họ nói là cản trở lớn nhất là tham nhũng. Họ nói, thưa ngài bộ trưởng, tôi có sản phẩm thiết bị mà không bán được, mua cũng không được, vì muốn mua, bán đều bị gửi hoa hồng… Nhưng tôi không làm được vì vi phạm luật pháp”.
Rồi bình luận: “Đặc biệt là với DNNN thì mua cũng gửi giá, bán cũng gửi giá (hình thức người đại diện mua - bán của doanh nghiệp kê khống giá bán lên cao để đại diện hai bên hưởng chênh lệch). Điều đó làm cản trở không chỉ là đầu tư mà cả thương mại. Rút cục là chả ai có thể làm ăn (chân chính) gì được”.
Ông cho rằng, minh bạch là rất cần thiết với các doanh nghiệp, nhất là DNNN vì minh bạch giúp sửa được cơ chế, chính sách trong kinh doanh.
“Việt Nam chưa có gì rực rỡ cả mà chính sách còn thiếu minh bạch thế này thì tụt hậu còn rất xa”, ông nói.
Tại buổi thảo luận, ông Vinh khẳng định quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam là “thực”.
“Việt Nam đang khởi xướng mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Những năm trước là nói và viết, còn năm nay là hành động”, ông nói.
“(Chúng tôi) Viết đủ rồi, nói đủ rồi, và năm nay là hành động. Hãy để người dân, doanh nghiệp đánh giá chứ không phải ta đánh giá,…” ông nói.
Ông Vinh cũng cho rằng, một trong những thách lớn nhất hiện nay là Việt Nam không tận dụng được người tài, dù có tới 90 triệu dân. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, hay cơ quan nhà nước cũng không lấy được người tài vì không trả lương cao được.
Ông viện dẫn Viettel được hưởng cơ chế đặc biệt, theo đó, có thể trả lương rất cao, nên đã tuyển dụng được nhiều người giỏi, dám đầu tư, và phát triển mạnh.
“Không biết đến bao giờ Việt Nam thay đổi được cơ chế cồng kềnh như hiện nay. Nhiều cái ta đặt ra như hiệp hội mà cũng hành chính hóa, thì làm sao mà phát triển được? Chúng ta chồng chéo, cản trở lẫn nhau, làm lãng phí thời gian và tiền bạc”, ông nói.
Tại buổi thảo luận, đại diện KPMG đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, vì sao doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam?
Ông trả lời, dù có nhiều thách thức, yếu kém như ông đã trình bày, song Việt Nam có 3 điều hấp dẫn.
Đó là Việt Nam có môi trường chính trị khá ổn định, an toàn.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao thành phần kinh tế FDI. Ông bổ sung thêm, hiện đang có tiếng nói là Việt Nam đang ưu đãi cho doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, Việt Nam đang tích cực cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách mạnh mẽ.
“Chúng tôi tin là những điều này sẽ giúp các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam và kinh doanh ổn định, lâu dài”, ông nói.