I. Đề án được xây dựng nhằm đạt các mục tiêu chủ yếu sau:
- Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch và đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô khác.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong hoạt động giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát các luồng vốn vào - ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, điều hành thị trường ngoại hối,ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý.
II. Nhiệm vụ và giải pháp.
Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
1. Nghiên cứu đặc điểm, tính chất các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm dòng vốn góp, dòng vốn vay trong và ngoài nước...) và dòng vốn chuyển ra nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu chung là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
a) Thống nhất khái niệm về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp trong các văn bản quy phạm pháp luật: Phân biệt rõ khái niệm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp để phân tổ, quản lý các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, trên cơ sở đó bổ sung, làm rõ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo khung pháp lý hoàn thiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư vào thị trường Việt Nam.
b) Bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình thủ tục đầu tư, chuyển tiền ra vào liên quan đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu, rà soát Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung các quy định về các yếu tố cấu thành vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thời điểm chuyển tiền góp vốn đầu tư, thời điểm chuyển nhượng vốn góp, cơ chế hạch toán chi phí chuẩn bị dự án trước khi được cấp phép,... nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý, giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
c) Bổ sung, chỉnh sửa các quy định về vay, trả nợ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng thống nhất cơ chế, chính sách quản lý vay, trả nợ trong và ngoài nước của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nợ nước ngoài thận trọng, đảm bảo quy trình tỷ lệ nợ an toàn, hiệu quả và nợ trong và ngoài nước của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong phạm vi tổng vốn đầu tư của dự án đã được phê duyệt tại Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Kiện toàn cơ chế báo cáo và công tác thống kê số liệu:
a) Nâng cao khả năng tổng hợp, khai thác thông tin, số liệu thông qua việc chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê; kiện toàn hệ thống báo cáo, thống kê số liệu qua hệ thống tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp FDI. Xây dựng hệ thống báo cáo theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tải công việc sự vụ và thủ công.
b) Xây dựng cơ chế đối chiếu số liệu giữa các nguồn báo cáo (tổ chức tín dụng và doanh nghiệp FDI) nhằm đảm báo tính chính xác của số liệu.
c) Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin chặt chẽ giữa các Bộ ngành nhằm luật hóa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và gia tăng phối hợp, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI.
d) Nghiên cứu, xây dựng các chế tài đối với việc không tuân thủ chế độ báo cáo thống kê của các đối tượng có liên quan trong việc báo cáo số liệu về dòng vốn FDI.
4. Kiện toàn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công tác phối hợp liên ngành:
a) Kiện toàn cơ sở pháp lý về công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát trong phạm vi liên quan đến công tác quản lý dòng vốn FDI như ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài...
b) Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát dòng vốn FDI cần tập trung thực hiện thông qua kiểm tra định kỳ và đột xuất về hoạt động chuyển tiền góp vốn, chuyển lợi nhuận, chuyển tiền thanh toán liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
c) Công tác phối hợp liên ngành: Tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động của doanh nghiệp FDI mang tính chất định kỳ hoặc đột xuất nhằm đánh giá thực trạng diễn biến dòng vốn FDI để có cơ chế chính sách phù hợp.
III. Tổ chức thực hiện.
Liên quan đến việc thực hiện đề án, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành như sau:
1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước).
b) Chủ trì xây dựng cơ chế giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tương quan với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
c) Chủ trì, nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống báo cáo thông qua các tổ chức tín dụng đảm bảo tổng hợp số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhanh, kịp thời và chính xác.
2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thống nhất cơ sở pháp lý về phân tổ nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư, quy trình cấp phép, chuyển nhượng dự án, quy định cơ cấu vốn góp (vốn hữu hình, vốn vô hình, vốn bằng tiền mặt, tỷ lệ vốn vay/vốn góp...) trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư để tổng hợp số liệu thống kê chi tiết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam kịp thời, chính xác.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói chung và công tác thống kê, giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói riêng.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phân tích, dự báo và hoạch định chính sách.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hệ thống theo dõi số liệu về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dưới hình thức góp vốn bằng hàng hóa, máy móc thiết bị.
b) Triển khai các giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước.
4. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai các giải pháp tại Đề án “Nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài'’ sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thống kê, kiểm soát và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
b) Chủ động, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan thực hiện cơ chế báo cáo số liệu thống kê về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi quản lý nhằm theo dõi, kiểm soát kịp thời, chính xác dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
c) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, chế độ báo cáo thống kê đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc địa bàn quản lý.