BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Quốc gia
VBF kiến nghị về cải cách DNNN
Thứ Năm, 27/03/2014 03:14
VBF kiến nghị về cải cách DNNN

Theo Nhóm công tác vốn và thị trường vốn (Diễn đàn Doanh nghiệp), cải cách DNNN và cổ phần hóa là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển hiệu quả thị trường vốn. Tuy nhiên, việc cải cách này chưa thực sự có nhiều kết quả khả quan.

Cổ phần hóa DNNN: Chìa khóa cho thị trường vốn 

Có thể nói, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ là chìa khóa cho thị trường vốn mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Dù đã có nhiều ý kiến, tranh luận nhưng chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ bước đi khả quan đầu năm 2007. Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải có “một lộ trình mới với những tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết”.

Cổ phần hóa là xương sống của chính sách kinh tế hợp lý và để minh chứng chỉ cần nhìn vào những kết quả đã đạt được ở những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là ngành Viễn thông và Ngân hàng.

Tuy nhiên, mặc dù đến nay, đã có 2 ngân hàng được cổ phần hóa, nhưng chưa thành công do định giá không hợp lý.
Yếu tố chính để chào bán thành công là ĐỊNH GIÁ, và cách duy nhất để làm điều này là phải thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng định giá, phát hành theo các chuẩn mực toàn cầu của ngành, cũng như xây dựng bản cáo bạch đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư toàn cầu.

Sẽ luôn tồn tại sự lo ngại về việc bán tài sản nhà nước với giá quá rẻ và phải chịu trách nhiệm về việc đó, nhưng đây là những rủi ro kèm theo quá trình này, và một nghịch lý là những trường hợp cổ phần hóa thành công cũng chính là những trường hợp mà bên tham gia chấp nhận nhượng bộ một phần lợi ích để thu hút các nhà đầu tư. Phát hành cổ phiếu với giá quá cao thường dẫn tới thất bại. Hơn nữa, một tỉ lệ đáng kể cổ phần cũng sẽ phải bán để tạo thanh khoản cho thị trường sau phát hành, chứ không chỉ một tỉ lệ một con số nào đó. Cần khuyến khích ban quản trị công ty gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phần hóa phải là nhân tố cốt yếu của Nhóm công tác thị trường vốn, trong đó chính phủ đã xác định 2-3 doanh nghiệp để thí điểm cổ phần hóa trong vòng 9-12 tháng tới. 

Tuy nhiên, “Quá trình này không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể”, nhóm công tác nhấn mạnh.

Hơn nữa, DNNN phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, chứ không phải dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến hoạt động không hiệu quả và đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng nề. Duy trì kỷ cương, sự nhất quán trong khâu hoạch định là tiền đề để vận hành, xây dựng, cổ phần hóa hiệu quả DNNN.

Vấn đề về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhóm công tác quan tâm khuyến nghị. 

Ở những thị trường mới nổi, nhà đầu tư nước ngoài là một thành tố chính trong thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhờ đóng góp nguồn vốn cần thiết để kinh tế phát triển. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quan trọng trong nước cũng cần duy trì sự kiểm soát đối với những lợi ích địa phương, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Một giải pháp cho vấn đề này là quy định một nhóm cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn được hưởng những lợi ích kinh tế như cổ tức, giống như trường hợp Thái Lan. Như vậy sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn cần thiết từ nước ngoài. Mức sở hữu nước ngoài trong ngân hàng nên được nâng lên 49% vì đây sẽ là một con số thực tế hơn.

Sẽ sáp nhập công ty chứng khóan

Theo nhóm công tác, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang bộc lộ những vướng mắc, hạn chế. 
Trước hết về biên độ giao dịch. Mặc dù giờ giao dịch đã được nới rộng nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả. Đành rằng những biên độ này được thiết lập để bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường. Một giải pháp đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên xuống hơn 10%. Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ tái lập sự ổn định cho thị trường.

Bên cạnh đó, việc mở tài khoản theo quy định hiện nay còn rườm rà và chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vì phải mất gần 6 tháng mới được mở tài khoản, trong khi ở hầu hết các nước khác chỉ mất một tuần. Quy định phải có lý lịch tư pháp và xác nhận không có tiền án của nước xuất xứ đối với người mở tài khoản gây mất thời gian và tốn kém. Quy định này cần được thay thế bằng cơ chế đơn giản như công chứng hộ chiếu hợp lệ. Bằng cách này sẽ thu hút được thêm nhà đầu tư nước ngoài, và quan trọng nhất là nguồn vốn cho thị trường chứng khoán.

Nhóm công tác cũng lưu ý rằng, hiện nay có quá nhiều công ty chứng khoán (105 công ty) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó riêng 10 công ty lớn nhất đã chiếm tới hơn 50% thị phần. Những công ty còn lại đều là công ty nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Nhiều công ty chứng khoán hầu như không hoạt động, phát sinh lỗ, làm tiêu hao vốn của cổ đông, gây rủi ro cho những nhà đầu tư chính đáng mở tài khoản giao dịch ở những công ty này. Lỗ phát sinh của các công ty chứng khoán chủ yếu là do tự giao dịch, vay vốn quá lớn và thiếu thận trọng trong cho vay, trong khi cơ chế quản trị rủi ro yếu. 

Vì vậy, Nhóm công tác đề nghị: (i) Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các công ty chứng khoán nhằm giảm số lượng công ty, tập trung vào nâng cao chất lượng, năng lực tài chính, từ đó tăng cường sự lành mạnh cho thị trường. UBCKNN cần giám sát, áp dụng triệt để các quy định, yêu cầu tách bạch giữa tài sản của nhà đầu tư và tài sản của công ty chứng khoán; (ii) Cơ quan chức năng cần kiểm tra định kỳ về năng lực tài chính, chất lượng quản trị công ty, cơ chế quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán để bảo đảm an toàn cho toàn bộ thị trường chứng khoán và quyền lợi của nhà đầu tư.

Tăng cường quản trị công ty, minh bạch

Mặc dù khung pháp lý hiện nay về cơ bản có quy định về công bố thông tin và các vấn đề quản trị công ty, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định này, gây hoang mang cho nhà đầu tư. Nhóm Công tác đề nghị UBCKNN tăng cường giám sát, kiểm tra, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cho những đối tượng tham gia thị trường.

Theo nhóm công tác, cần kịp thời công bố lịch thông tin kinh tế tới nhà đầu tư với những chỉ số vĩ mô tổng hợp từ những nguồn chính thức như Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính/Ủy ban Chứng khoán.
“Báo cáo nghiên cứu của các công ty chứng khoán cần công bố đầy đủ, trung thực, khách quan mọi trường hợp mâu thuẫn lợi ích tiềm ẩn”, Nhóm công tác cho biết. 
Số lượt đọc: 306
Thông báo