BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Quốc gia
Tiềm năng hợp tác đầu tư tại Australia
Thứ Năm, 27/03/2014 03:09
Tiềm năng hợp tác đầu tư tại Australia

Australia nằm ở bán cầu Nam, được bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, Biển A-ra-phu-ra ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam. Australia có địa hình đa dạng, là một trong những lục địa có khí hậu khô nhất thế giới, rất giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bôxít, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí và thiếc. Đặc biệt, Australia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp.

1. Về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội của Australia 

a. Về điều kiện tự nhiên:
Australia còn gọi là Úc Đại Lợi, có tên chính thức là Liên bang Úc (Commonwealth of Australia), là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu có diện tích khoảng 7,7 triệu km2, thủ đô là Canberra. Australia là nước lớn thứ sáu trên thế giới, là nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa và cũng là nước lớn nhất trong khu vực Úc- Á (Australasia). Australia cũng gồm một đảo lớn là Tasmania, một tiểu bang của Australia và nhiều hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các nước láng giềng của Úc gồm có New Zealand về phía Đông Nam; Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea về phía Bắc; Quần đảo Solomon, Vanuatu và New Caledonia về phía Đông Bắc.
Lục địa Úc đã bắt đầu có thổ dân định cư từ 42.000 năm trước[11]. Sau một vài chuyến viếng thăm lác đác của các ngư dân ở phương Bắc và các hình trình khám phá của người châu Âu mà đầu tiên là của người Hà Lan năm 1606, lãnh thổ phía Đông của Úc đã bị người Anh tuyên bố chủ quyền và họ bắt đầu thành lập những vùng lưu đày ở New South Wales từ ngày 26 tháng 1 năm 1788[12]. Vì dân số ngày càng gia tăng và nhiều vùng đất mới được khám phá, năm thuộc địa hoàng gia tự trị mới được thành lập trong suốt thế kỷ 19.
Ngày 1 tháng 1 năm 1901, sáu thuộc địa chính thức liên kết trở thành một liên bang thống nhất dẫn tới việc Liên bang Australia ra đời. Từ đó Úc vẫn giữ vững thể chế chính trị dân chủ tự do và hiện vẫn nằm trong vương quốc thịnh vượng chung. Thủ đô của Úc là Canberra tọa lạc trong lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Vì điều kiện thiên nhiên không thuận lợi sâu trong lục địa nên xấp xỉ 60% trong dân số 21,7 triệu người của Úc sống tập trung ở các thủ đô của bang như Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth và Adelaide.
Úc có địa hình đa dạng, là một trong những lục địa có khí hậu khô nhất thế giới, rất giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bôxít, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí và thiếc. Đất đai và khí hậu ở Australia khá thuận cho việc phát triển ngành nông nghiệp và chăn nuôi. Australia là một lục địa lâu đời nhất do tác dụng của sự xói mòn cách đây khoảng 250 triệu năm. Hiện nay Australia đã trở thành miền đất lớn bằng phẳng, ổn định nhất thế giới với sự đa dạng về địa hình và cũng là một trong những lục địa khô nhất thế giới. Do quy mô diện tích lớn nên phong cảnh tự nhiên của Australia hết sức đa dạng. Mặc dù phần lớn lãnh thổ của Úc thuộc loại hoang mạc hoặc bán hoang mạc nhưng nước này vẫn sở hữu nhiều loại môi trường sống phong phú, từ cây thạch nam trên núi cao cho tới rừng mưa nhiệt đới. Hàng triệu năm tiến hóa cô lập với các lục địa khác đã làm cho các loài động thực vật của Úc tiến hóa theo những hướng khác hẳn với những nơi khác trên thế giới. Kết quả là có một tỉ lệ lớn các loài của Úc không có mặt ở bất cứ nơi nào khác. Ở cấp độ về loài, có khoảng 85% thực vật cây có hoa, 84% động vật có vú, hơn 45% các loài chim và khoảng 89% loài cá vùng ôn đới chỉ được tìm thấy ở Úc. Úc cũng là quốc gia có nhiều loài bò sát nhất thế giới với tổng cộng 755 loài. Nhiều vùng sinh thái của Úc, và tất nhiên cùng với sinh vật ở đây, đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người và sự xâm chiếm của các loài động thực vật từ nơi khác. Đạo luật bảo vệ môi trường và bảo tồn tính đa dạng sinh học của liên bang là một khuôn khổ pháp lý để cứu những loài sinh vật đang bị đe dọa. Nhiều vùng bảo vệ được thiết lập dưới kế hoạch hành động đa dạng sinh học của quốc gia nhằm cứu vớt những vùng sinh thái đặc chủng của Úc, 64 đầm lầy đã được ghi vào công ước Ramsar và 16 di sản thế giới đã được công nhận. Úc được xếp hạng 13 trong danh mục có thể chống chịu về môi trường năm 2005. Các rừng cây ở Úc thường có rất nhiều loại cây khuynh diệp và phần lớn mọc ở những vùng đất mưa nhiều. Phần lớn các loài cây rừng của Úc đều thuộc loại thường xanh và nhiều loài đã thích nghi được với môi trường sống thường xuyên xảy ra cháy và hạn hán trong đó có khuynh diệp và chi keo. Úc có một lượng lớn các loại cây họ đậu đặc chủng có thể phát triển mạnh ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng nhờ sống cộng sinh với khuẩn Rhizobia và nấm mycorrhiza. Một trong những quần động vật được biết đến ở Úc là động vật đơn huyệt (thú mỏ vịt và thú lông nhím); thú có túi trong đó có kangaroo, koala, gấu túi; cá sấu nước mặn và nước ngọt; đà điểu Úc và bói cá Úc. Úc cũng là ngôi nhà của nhiều loại rắn độc nhất thế giới. Chó dingo được nhập vào Úc bởi người Austronesian lúc đó đang trao đổi mậu dịch với thổ dân Úc từ năm 3000 TCN. Rất nhiều loài động thực vật đã bị tuyệt chủng ngay sau khi con người bắt đầu định cư như các loài thú khổng lồ, số khác tuyệt chủng vì người Âu tới định cư trong đó có hổ Tasmania.
Khí hậu nhiệt đới ở phía Bắc và ôn đới ở phía Nam và phía Đông. Nhiệt độ trung bình là 27°C ở phái Bắc và 13° C ở phía Nam.
Dân số Úc hiện khoảng 20,6 triệu người, với tỷ lệ tăng trưởng dân số khoảng 0,87%. Về cơ cấu dân số, người da trắng chiếm 92%, gốc Châu Á 7%, thổ dân và các dân tộc khác 1%. Australia là một trong số những nước có mức đô thị hoá cao nhất thế giới, với 70% dân số tập trung phần lớn ở 10 thành phố lớn. 

b. Về hành chính: 
Úc có 6 tiểu bang và hai vùng lãnh thổ chính nằm trên đại lục. Ngoài ra còn có một vài lãnh thổ phụ khác nằm dưới sự quản lý của chính phủ lien bang. Các tiểu bang là New South Wales, Queensland, Nam Úc, Tasmania, Victoria và Tây Úc. Hai vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ Bắc và Lãnh thổ Thủ đô Úc (Australian Capital Territory - viết tắt: ACT). Ở hầu hết khía cạnh, chức năng của vùng lãnh thổ giống như của bang nhưng Quốc hội liên bang có thể tước bỏ quyền lập pháp của nghị viện lãnh thổ. Tương phản với bộ luật liên bang chỉ có thể gạt bỏ bộ luật của bang trong một số lĩnh vực cụ thể được quy định trong điều 51 của Hiến pháp Australia; nghị viện của bang vẫn có tất cả quyền hợp pháp còn lại bao gồm quyền đối với bệnh viện, giáo dục, cảnh sát, thẩm phán, đường sá, giao thông công cộng và chính phủ địa phương.
Mỗi bang và vùng lãnh thổ có hệ thống lập pháp riêng: chế độ độc viện ở lãnh thổ Bắc, ACT và Queensland; lưỡng viện ở những bang và vùng lãnh thổ còn lại. Các bang có chủ quyền riêng mặc dù vẫn bị hạn chế bởi Hiến pháp liên bang. Hạ viện có vai trò như một hội nghị lập pháp trong khi thượng viện là hội đồng lập pháp. Đứng đầu chính quyền mỗi bang là một thủ tướng trong khi đứng đầu vùng lãnh thổ là một chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Nữ hoàng được đại diện bởi một thống đốc ở mỗi bang, một quản lý ở mỗi vùng lãnh thổ và toàn quyền Úc ở ACT, đều có vai trò tương tự.
Úc cũng có một số vùng lãnh thổ bên ngoài có cư dân sinh sống (đảo Norfolk, đảo Christmas, quần đảo Cocos và Keeling) và một số vùng lãnh thổ rộng lớn bên ngoài và không có người sinh sống: Quần đảo Biển San Hô (Coral Sea Islands Territory), quần đảo Heard và McDonald và Lãnh thổ Nam cực thuộc Úc. Lãnh địa Thủ đô Úc được thành lập tại vị trí được chọn làm thành phố thủ đô Canberra trong vùng đất có tên Thung lũng sông Molongo. Việc thành lập Canberra là giải pháp thoả hiệp giữa 2 thành phố lớn nhất, Melbourne và Sydney, khi chọn thủ đô. Cái tên 'Canberra' được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là "nơi gặp mặt". Lãnh thổ ACT cũng kết hợp với một vùng lãnh thổ riêng biệt nằm trong New South Wales gọi là Lãnh thổ vịnh Jervis (Jervis Bay Territory) đóng vai trò là căn cứ hải quân và cảng biển cho thủ đô.

c. Về chính trị: 
Úc theo chế độ quân chủ lập hiến, là quốc gia độc lập thuộc khối Liên hiệp Anh. Nữ hoàng Anh Elizabeth II là người đứng đầu Nhà nước. Đại diện của Nữ hoàng trên toàn lãnh thổ Úc là Toàn quyền (do Nữ hoàng chỉ định) và tại mỗi bang là Thống đốc. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, thông qua bầu cử, có nhiệm kỳ 03 năm. Thủ tướng chỉ định các Bộ trưởng trong nội các. Hệ thống chính trị được xây dựng theo cơ cấu liên bang - tiểu bang.
Cơ cấu chính quyền: Toàn quyền (đứng đầu Nhà nước), Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp): có 2 cấp liên bang và tiểu bang. Chính phủ mỗi bang do một Thủ hiến đứng đầu. Quốc hội liên bang là cơ quan lập pháp cao nhất, gồm 2 viện: Hạ viện và Thượng viện. Quốc hội mỗi bang cũng gồm 2 viện. Hạ viện gồm 150 Hạ nghị sĩ đại diện cho các tiểu bang, được bầu theo hệ thống bầu phiếu phổ thông lựa chọn ưu tiên, nhiệm kỳ 3 năm. Thượng viện gồm 76 Thượng nghị sĩ được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ. Mỗi bang cử 12 Thượng nghị sỹ (nhiệm kỳ 6 năm); Lãnh thổ Thủ đô và Lãnh thổ Bắc Úc có 2 Thượng nghị sỹ/lãnh thổ (nhiệm kỳ 3 năm). Các đảng chính trị chính: Tự do, Quốc gia, Công Đảng, Dân chủ, Đảng Xanh... Chính phủ đương nhiệm là liên minh giữa 2 đảng Tự do và Quốc gia. Công Đảng là đảng đối lập. 

d. Về kinh tế: 
Úc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Thời kỳ đầu lập quốc, chủ yếu dựa vào xuất khẩu lông thú. Việc phát hiện ra vàng (năm 1851) và tiếp theo là sự ra đời của ngành khai thác mỏ đã dần mở ra những cơ hội phát triển mới cho kinh tế Úc. Trong những năm 1980, Úc đẩy mạnh đổi mới và hiện đại hoá nền kinh tế; tiếp đó thực hiện các cải cách kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ hướng nội là chủ yếu sang nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và có tính cạnh tranh quốc tế cao. 
Úc có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển, trong đó: Dịch vụ 70%, Công nghiệp 26%, Nông nghiệp 4%. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu: bột mỳ, mía đường, hoa quả; gia súc, gia cầm. Các ngành công nghiệp chủ yếu: khai mỏ, thiết bị công nghiệp và giao thông vận tải, chế biến thực phẩm, hóa chất và thép.
Tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2005 đạt 633,5 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 32.000 USD. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 3,4% (năm 2005 là 3%). 
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: than đá, vàng, len, thép, dầu thô, bột mỳ, nhôm, thịt, máy móc và thiết bị vận tải. Năm 2006, tổng giá trị xuất khẩu đạt 196 tỷ AUD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị, máy tính và thiết bị văn phòng, dầu thô, thiết bị viễn thông. Năm 2006, tổng giá trị hàng nhập khẩu đạt 211 tỷ AUD.
Nhìn chung nước Úc có một nền kinh tế phát triển với thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn Liên Hiệp Anh, Đức và Pháp một chút theo sức mua tương đương. Nước này cũng được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2007 và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống của tạp chí tin tức The Economist năm 2005. Nước Úc còn nắm giữ kỷ lục với 4 thành phố lớn nằm trong danh sách những thành phố dễ sống nhất thế giới là Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9). 
e. Về điều kiện xã hội:
Ngôn ngữ chính thức của Úc là tiếng Anh 79,1%, tiếng Trung 2,1%, tiếng Italia 1,9%, ngôn ngữ khác 11,19% và một số tiếng địa phương khác. Về tín ngưỡng, Anh giáo 26,1%, Thiên chúa giáo La Mã 26%, Cơ đốc giáo 24,3%, không tôn giáo 11%, khác 12,6%. Về cơ cấu dân số, người da trắng chiếm 92%, gốc Châu Á chiếm 7%, thổ dân và các dân tộc khác khoảng 1%. Úc có nền văn hoá bản địa lâu đời, độc đáo. Những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại lục địa này từ cách đây hơn 40.000 năm. Năm 1770, Thuyền trưởng James Cook của Anh là người châu Âu đầu tiên tới khám phá vùng bờ biển phía Đông của lục địa Ô-xtrâylia. Ngày 26/01/1788, thuyền trưởng Arthur Philip đưa 750 người từ Anh đi đày sang Úc, mở đầu thời đại di cư của người châu Âu đến Úc. Sự kiện các mỏ vàng được tìm thấy vào năm 1851 đã mở đầu thời kỳ tăng mạnh số lượng người nhập cư, kèm theo đó là sự phát triển kinh tế, thương mại tại vùng đất này. Úc chính thức giành được độc lập từ Vương quốc Anh từ ngày 01/01/1901. 
Về văn hóa, từ năm 1788, nền tảng chính của văn hóa Úc là Anglo-Celtic mặc dù các đặc thù riêng của nước này cũng sớm xuất hiện từ môi trường tự nhiên và nền văn hóa của thổ dân. Đến giữa thế kỷ 20, văn hóa Úc chịu ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa đại chúng của Mỹ, chủ yếu là truyền hình và điện ảnh, bởi các quốc gia láng giềng và bởi một tỉ lệ lớn người nhập cư từ các nước không nói tiếng Anh.

2. Mối quan hệ Việt Nam và Australia: 
Ngày 26/02/1973, Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao và lập Đại sứ quán tại mỗi nước. Quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Kể từ 1991, quan hệ giữa hai nước đã được mở ra hướng phát triển mới cùng với việc Hiệp định Hoà bình Pari về vấn đề Campuchia được ký kết. Năm 2003, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 – 26/2/2003). 
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, góp phần quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước. Phía Việt Nam thăm Úc có: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 7-8/1995); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (3/1998); Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 3-4/1999 và 5-7/5/2005. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Phía Úc thăm Việt Nam có: Thủ tướng Paul Keating (4/1994); Toàn quyền Bill Hayden (tháng 4/1995), Thủ tướng Thủ tướng Giôn Hô-uốt kết hợp dự Hội nghị Cấp cao APEC (11/2006). Ngoài ra, Lãnh đạo một số tiểu bang (Queensland, New South Wales, Nam Australia và Victoria) cũng đã thăm ta.

Hiện nay, quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Trong chuyến thăm chính thức Úc từ 4-7/5/2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai Thủ tướng đã ra Tuyên bố Báo chí chung, khẳng định sự lớn mạnh và nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2006, Thủ tướng John Horwad cũng đánh giá cao quan hệ phát triển rất tốt đẹp và ca ngợi ta tổ chức thành công APEC. Quan hệ song phương giữa hai nước thực sự là toàn diện. Điều này có thể thấy rõ trong thương mại và đầu tư - Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Quan hệ giữa Australia và Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai quốc gia trong thời điểm hiện tại và tương lai trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam đã được đẩy lên một tầm cao mới- quan hệ hợp tác toàn diện. Trong giáo dục và đào tạo, du học sinh Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cộng đồng du học sinh tại Australia, vượt cả số du học sinh Trung Quốc và Ấn Độ. Về quốc phòng, an ninh và cảnh sát giữa hai nước có mối quan hệ rất mật thiết - Australia đào tạo cho nhiều sĩ quan quân đội Việt Nam thông qua chương trình hợp tác quốc phòng nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Về hỗ trợ phát triển chính thức, Australia đứng trong khoảng từ thứ tư đến thứ sáu trong số 10 nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Hỗ trợ phát triển của Australia dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng ngừa và giảm nhẹ tác động của thiên tai, dịch bệnh đã được tăng cường đáng kể.
Như vậy, mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài giữa hai nước đã được thể hiện qua quá trình lịch sử. Chính phủ hai nước luôn nỗ lực tăng cường hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước. Có thể nói cánh cửa đã mở toang đón luồng gió mới đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

3. Về kết quả hoạt động thương mại, đầu tư song phương: 
Về hoạt động thương mại, Việt Nam- Australia đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại hai chiều - Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và khá cao. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Úc đạt trên 4,1 tỷ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 2,7 tỷ đô la. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Úc là dầu thô, thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng v.v. Hiện nay Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc). Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Úc ngũ cốc, thuốc, tàu biển, máy chế biến thực phẩm, thiết bị điện, kim loại, sắt thép, thực phẩm, hoá chất... 
Về đầu tư song phương, Úc đứng thứ 18 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là một trong các nước đầu tư khá cao và có hiệu quả tại Việt Nam. Tính đến 10/2012, Úc đầu tư tại Việt Nam 123 dự án với tổng vốn gần 700 triệu USD (vốn thực hiện đạt 347,6 triệu USD), chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến, kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn, giáo dục đào tạo…, tại một số thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Australia có thế mạnh đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Trong những năm gần đây, các công ty Australia đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát ở Việt Nam đã tăng đáng kể, nhất là trong sản xuất bia, chế biến thực phẩm từ bơ sữa, đóng gói đồ uống v.v… Bên cạnh đó, viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với quy mô lớn, tổng số viện trợ các giai đoạn 1994-1998, 1998-2002 là 436 triệu đô la Úc. Từ 2002, chính phủ Úc phân bổ ngân sách viện trợ định kỳ hàng năm. Chiến lược hợp tác phát triển Việt Nam- Úc 2003-2007 đã được Việt Nam và Úc thông qua, theo đó các dự án viện trợ theo: (1) Về lĩnh vực: tập trung về nông nghiệp, nông thôn, y tế, quản lý Nhà nước, nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. (2) Về ưu tiên địa lý: tập trung cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung. Cụ thể, mức viện trợ cho Việt Nam năm tài khóa 2003-2004 là 72,1 triệu AUD; 2004-2005 là 73,7 triệu AUD; 2005-2006 tăng lên 77,3 triệu AUD. Theo ngân sách liên bang tài khóa 2006-2007, mức viện trợ dành cho Việt Nam là 81,5 triệu AUD (tăng 4,2 triệu AUD so với năm tài khoá trước). 
Về đầu tư của Việt Nam sang Úc, tính đến tháng 10/2012, Việt Nam có 15 dự án đầu tư sang Úc với tổng vốn đầu tư đạt 140,09 triệu USD, quy mô vốn bình quân 1 dự án là 9,34 triệu USD/dự án. Các dự án chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, bất động sản và xây dựng.

4. Đánh giá tiềm năng, cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam: 
Mặc dù kết quả hoạt động thương mại, đầu tư song phương đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng quan hệ kinh tế còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước. Qua phân tích tổng quan về điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội của Úc, có thể thấy, tiềm năng đầu tư tại Úc là rất lớn. Úc là quốc gia rất giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều lợi thế phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam và Úc vốn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Australia cùng nằm trong khu vực Châu Á– Thái Bình Dương đầy tiềm năng và đều mong muốn tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Biểu hiện sinh động của chiều hướng tốt đẹp đó là sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo. Không chỉ trong khuôn khổ song phương, sư hợp tác giữa hai nước còn phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ đa phương. Là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN– Australia, Việt Nam luôn ủng hộ Australia- nước có vị trí địa lý gần gũi, quan hệ hợp tác phát triển lâu đời với ASEAN và là nước có vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới, được tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực Đông Á. Chính phủ hai nước đặc biệt chú trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư thương mại song phương qua việc đàm phán ký kết nhiều hiệp định hợp tác, biên bản ghi nhớ quan trọng để tạo khung khổ hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc khuyến khích cũng như bảo hộ cho các nhà đầu tư Việt Nam khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Úc. Có thể điểm qua một số thỏa thuận, hiệp định quan trọng đã được ký kết như sau: 
- Trong khuôn khổ APEC, hai nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhất là phối hợp để Việt Nam chủ trì tổ chức các hội nghị của APEC 2006. Về WTO, hai bên đã ký văn bản chính thức kết thúc đàm phán ngày 02/3/2006.
- Hiệp định về Bưu chính (10/1979);
- Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (6/1990);
- Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư lẫn nhau (3/1991);
- Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (4/1992 và được bổ sung, sửa đổi tháng 11/1996);
- Hiệp định về Dịch vụ Hàng không (7/1995);
- Hiệp định Lãnh sự (7/2003); 
- Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN- Úc-Niu-di-lân (AANZFTA) được ký kết ngày 27 tháng 2 năm 2009 tại Thái Lan;
- Một số Thoả thuận Hợp tác quan trọng: Hợp tác Phát triển (5/1993), Trợ giúp Pháp luật (2/1997), Hợp tác Khoa học và Công nghệ (9/1992), MOU về Hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (9/1995), Hợp tác về Môi trường (1997), Hợp tác Thể thao (1999), Hợp tác Giáo dục (4/1999), Tuyên bố chung về việc Hợp tác Đấu tranh chống Nhập cư bất hợp pháp và buôn bán phụ nữ, trẻ em (9/2000), Bản Ghi nhớ về việc nhận trở lại công dân Việt Nam bị trục xuất do vi phạm pháp luật Úc (6/2001), Hợp tác về vấn đề nhập cư (2001), Hợp tác về các Dịch vụ Xã hội (2002). Hợp tác giao thông vận tải (3/2007).      
Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế và cải cách các thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Úc; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và kinh doanh ở Úc. Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Úc do hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người của người dân Úc rất cao, trong khi sản xuất trong nước còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng đa dạng và sức mua rất lớn. Đặc biệt, có rất nhiều sản phẩm mà Úc có nhu cầu lớn và có thể đầu tư hiệu quả như khai thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến  thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, viễn thông, du lịch, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam, thủy sản, nhiệt điện... Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Úc cũng khá thuận lợi. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và được sử dụng trong giới công chức, doanh nghiệp. Vì vậy, đây là cơ hội rất khả quan cho các nhà đầu tư Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực được Chính phủ Úc rất khuyến khích, bao gồm:
- Năng lượng, khai khoáng;
- Tài nguyên thiên nhiên kể cả quản lý tài nguyên, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt;
- Phát triển hạ tầng cơ sở;
- Nông nghiệp và chế biến thực phẩm;
- Vận tải;
- Công nghiệp nhẹ kể cả vải sợi, quần áo, giày dép, len, bông, da và chế biến da;
- Thông tin viễn thông;
- Ngân hàng và tài chính;
- Du lịch.
Như vậy, có thể thấy, quan hệ chính trị tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước; tiềm năng dồi dào về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Úc là những điều kiện thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ khai thác. Tuy nhiên, để định hướng và thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Úc, Chính phủ Việt Nam cũng cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư như tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về đất nước Úc, nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư sang thị trường này; tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo về đầu tư, phối hợp giải quyết các vướng mắc từ khâu triển khai nghiên cứu thị trường đầu tư cho đến khi cấp phép thực hiện dự án; xây dựng một số chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà Úc đặc biệt khuyến khích. Với việc hỗ trợ thiết thực của Chính phủ hai nước và sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo trong thời gian tới đây, Úc sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư Việt Nam.
Số lượt đọc: 4337
Thông báo