Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy, người đứng đầu tổ chức thương mại toàn cầu nhấn mạnh nếu vòng đàm phán Doha thất bại, nền kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa, đặc biệt đối với các nước kém phát triển nhất và các nước nhỏ hơn phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Cơ hội và xu thế FTA
Ngay đến thời điểm này, triển vọng kết thúc của Vòng đàm phán vẫn còn rất mờ mịt. Không một quốc gia thành viên nào, dù là những thành viên trung thành nhất với Hệ thống thương mại đa biên, còn đủ kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại mạnh mẽ của WTO để rồi chấp nhận đánh mất đi những cơ hội mở rộng thương mại, phát triển kinh tế. FTA nổi lên như một cơ chế thay thế hữu hiệu. Về bản chất, các FTA tạo ra sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa giữa một bên là các thành viên tham gia FTA và bên kia là những nước không phải thành viên. Nói cách khác, FTA là sự ly khai “hợp pháp” của các thành viên WTO đối với một trong những nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử. Nhưng dù không cùng động cơ vận hành, WTO và các FTA lại chia sẻ một mục tiêu chung là xây dựng một môi trường thương mại thông thoáng và tự do. Chính vì điều này mà các tiêu chuẩn về FTA được thể chế khá chặt chẽ trong quy định của WTO. Một FTA được xem là phù hợp với WTO chỉ khi FTA đó phải đưa ra lộ trình tự do hóa hầu hết hoạt động thương mại trong thời gian hợp lý, thường là không quá 10 năm.
Tuy nhiên, nếu cho rằng lý do thất bại của Vòng đàm phán Đô – Ha là nguyên nhân chính của xu thế FTA hiện nay là hoàn toàn chưa thỏa đáng. FTA đã xuất hiện rất lâu trước khi WTO hình thành và xu thể đó âm ỉ, lúc mạnh, lúc yếu và tiếp tục phát triển cả về hình thức và nội dung. FTA có những nguyên tắc, đặc điểm và động lực phát triển riêng. Thông thường, các nước đến với thỏa thuận FTA luôn xuất phát từ ít nhất hai động cơ căn bản như sau:
Thứ nhất, động cơ chính trị là yếu tố không thể thiếu trong bất cứ FTA nào. Với mong muốn nâng cấp mối quan hệ ngoại giao, chính trị, các quốc gia luôn có xu hướng dành cho nhau sự đối xử tốt hơn trong quan hệ kinh tế và thương mại. FTA trở thành công cụ tuyệt vời để thực hiện mong muốn đó, đặc biệt khi xu thế đối đầu trực tiếp được dần thay thế bằng xu thế hòa hoãn, đối thoại trên thế giới. Giai đoạn trước đây, các FTA thường diễn ra giữa các quốc gia có sự tương đồng nhất định về chế độ chính trị, trình độ phát triển, đặc điểm khu vực, cấu trúc thị trường. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mecorsur), Thị trường chung Châu Âu (EEC), Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hội đồng các quốc gia Vùng Vịnh (GCC) đều là những mô hình điển hình cho động cơ chính trị này. Thời gian gần đây, các FTA xuất hiện linh hoạt hơn, vượt trên những khác biệt về địa lý, quan điểm chính trị và đan xen chặt chẽ với sự tham dự rộng rãi của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế lớn và mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Bra-sil, các khối liên kết kinh tế khu vực như ASEAN, GCC, Mecosur và cả các cường quốc kinh tế như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Dường như các nước đang đi vào vòng xoáy thiết lập các FTA để duy trì sức mạnh cạnh trạnh và ảnh hưởng của mình với các đối tác khác. Các FTA gần đây giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ với ASEAN, FTA Trung Quốc – GCC, FTA EU – ASEAN, EU – Ma-lay-xia, Hoa kỳ - Jordani, Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là minh chứng rất rõ cho thấy tâm lý này. Nhìn chung, dù các liên kết FTA diễn ra dưới hình thức nào thì khởi đầu của FTA luôn là những toan tính chính trị hoặc ít nhất là dựa trên nền tảng là một mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp.
Thứ hai, động cơ kinh tế đóng vai trò quyết định trong việc xác lập nội dung và hình thức các liên kết FTA. Động cơ từ lợi ích kinh tế, thương mại trong các FTA là khái niệm linh hoạt và được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng đối tác, mối tương quan về trình độ phát triển mà đàm phán FTA thực chất là việc xác định các lợi ích cân bằng giữa các bên tham gia. Ở mức độ thông thường nhất, FTA là một thỏa thuận cam kết cắt giảm thuế quan giữa hai hay nhiều bên tham gia để xác lập một FTA về hàng hóa như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (2004), Khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (2005) hay Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (2006). Ở mức độ cao hơn chút ít, một FTA còn có thể bao hàm cả vấn đề tự do hóa dịch vụ, đầu tư và các thỏa thuận hợp tác kinh tế khác. Trong những liên kết FTA thông thường đã chín muồi, các nước có thể quyết định xây dựng các liên minh thuế quan như Cộng đồng Châu Âu (EEC), Thị trường chung Nam Mỹ (Mecosure) hoặc liên minh kinh tế như Liên minh Châu Âu (EU). Đặc trưng của các liên kết ở cấp độ cao hơn là có sự hội tụ hay hài hòa hóa các chính sách nội địa giữa các thành viên. Tuy vậy, cam kết về hội tụ chính sách có thể xuất hiện trong bất cứ hình thức liên kết nào, thậm chí còn là đòi hỏi rất mạnh mẽ như trường hợp Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Dương (TPP). Sự đa dạng của các loại hình liên kết cho phép các bên tham gia luôn tìm kiếm được một mức độ cân bằng hợp lý.
Với các nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu thường là động cơ chính yếu để quyết định khởi động đàm phán FTA, nhất là một FTA với các nước là thị trường xuất khẩu quan trọng, thông thường là các đối tác phát triển. Trong nhiều trường hợp, động cơ này đã tạo nên hiệu ứng “đô-mi-nô”, lôi kéo nhau tham gia đàm phán thiết lập FTA với các đối tác lớn như Hòa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc…do không muốn chấp nhận thua thiệt trong tương quan với các đối tác xuất khẩu cạnh tranh đến từ các nước có cùng cơ cấu xuất khẩu. Trường hợp Thái Lan, Ma-lai-xia, Sing-ga-po đã tham gia đàm phán FTA với Úc hay Niu-di-lân, gần đây nhất là EU cho thấy hiệu ứng của xu thế này. Một số quốc gia có nền kinh tế tùy thuộc mạnh vào hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài thường có xu thế tham gia nhiều vào các FTA để phát huy vị thế trung tâm của mình trong các liên kết kinh tế khu vực. Điển hình cho xu thế này là trường hợp của Sing-ga-po, Bru-nây hay Hồng kông. Ở một khía cạnh nào đó là các FTA giữa các nước ASEAN thiết lập với các đối tác ngoài khối. Trong một số trường hợp khác, thiết lập FTA được coi một công cụ để các nước thiết lập kênh nhập khẩu ổn định, nhất là các nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các FTA của Trung Quốc với ASEAN, Úc, Hội đồng các quốc gia Vùng Vịnh là mô hình FTA là một phần trong xu thế này.
Với các nước phát triển như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, lợi ích kinh tế từ các FTA thường được đặt trong bối cảnh và không gian rộng lớn hơn. Ngoài các lợi ích thương mại thông thường, các nước phát triển quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí kể cả tiêu chuẩn về môi trường, an ninh, chất lượng lao động vốn không thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO. Là những nước có lợi thế về công nghệ và vốn, các nước phát triển luôn có chủ trương tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong các ngành chế tạo và dịch vụ, từng bước gây dựng và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng giá trị trong phạm vi khu vực và toàn cầu mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn các các hạt nhân. Lợi ích này thường không mấy khi được các nước đang phát triển quan tâm đầy đủ. Thông qua các FTA, các nước phát triển có khả năng đẩy biên giới kinh tế đi rất xa khỏi các biên giới hải quan truyền thống, duy trì mối liên hệ bền chặt giữa cơ cấu kinh tế của họ với các nền kinh tế của các đối tác. Vì các lợi ích nêu trên, các nước phát triển có thể xem xét, thiết lập FTA với bất cứ đối tác nào miễn là họ có thể “xuất khẩu” những triết lý thương mại mới, vượt khỏi những nội dung, chuẩn mực được quy định trong khuôn khổ WTO . Quan điểm khác biệt về lợi ích là lý do cho thấy đàm phán FTA giữa các nước phát triển và đang phát triển luôn có cơ hội đàm phán, trao đổi trên nhiều loại lợi ích nhưng đôi khi sự khác biệt về quan điểm lợi ích cũng khiến đàm phán FTA trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Xem xét động cơ thiết lập các FTA trên thế giới đã cho thấy xu thế này không chỉ là một hiện tượng mang tính tạm thời trong bối cảnh hệ thống thương mại đa biên của WTO đang bế tắc cho dù bối cảnh trì trệ của WTO cũng ít nhiều đẩy xu thể FTA đi nhanh hơn. Các FTA bị ràng buộc bởi quy tắc của WTO nhưng chúng luôn được tìm được hướng đi mới, vượt ra khỏi các thông lệ trong thương mại để hướng đến một môi trường thương mại, đầu tư thông thoáng và an toàn hơn và nhất là phù hợp hơn với mối quan tâm của các bên tham gia. Cũng như cuộc sống, FTA cũng không ngừng biến đổi về nội dung, hình thức, đặc tính pháp lý để thích nghi và đáp ứng với yêu cầu phát triển.
Với Việt Nam, FTA không còn là một sân chơi mới mẻ. Chúng ta tham gia AFTA từ năm 1996 và từ đó đến nay ta đã đàm phán, tham gia 7 FTA khu vực và song phương với nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Một số thỏa thuận mà Việt Nam tham gia thực chất đã có những cam kết hội nhập sâu hơn rất nhiều so với các cam kết trong khuôn khổ gia nhập WTO vào năm 2007. Trong giai đoạn tới, Việt Nam đang có cơ hội hội nhập sâu sắc hơn vào kinh tế thế giới thông qua nhiều sân chơi phức tạp hơn đó là việc thực hiện Lộ trình hướng đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định FTA song phương Việt Nam – EU, Hiệp định FTA Việt Nam với Khu vực thương mại tự do Châu Âu, FTA Việt Nam – Nga….Trong bối cảnh đó, nhận diện những động cơ thực sự trong mỗi một cuộc đàm phán sẽ là chìa khóa để Việt Nam có được kết quả đàm phán thành công, hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế./.