Với tiêu đề “Việt Nam thu hút các công ty công nghệ, thu hẹp thâm hụt thương mại”, bài báo của tác giả Jason Folkmanis được đăng ngay trên trang nhất của hãng tin tài chính uy tín Bloomberg đã dành nhiều lời nhận xét tích cực đối với chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Theo tác giả, lợi thế về chi phí thấp của Việt Nam đã giúp thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và Hàn Quốc, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành này vượt qua cả dệt may và trở thành điểm sáng trong chính sách thu hút đầu tư của chính phủ.
“Intel Corp, Samsung Electronics Co và Jabil Circuit Inc. là 3 trong số rất nhiều doanh nghiệp đang thành lập hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh giữa lúc đà suy thoái của kinh tế thế giới khiến nhu cầu của các nước châu Á khác với hàng hóa Việt Nam giảm mạnh”, bài báo viết.
“Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác từ Việt Nam tăng vọt 91% lên 16 tỷ USD, khiến ngành này trở thành nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu. Sự tăng mạnh của các tập đoàn công nghệ toàn cầu có thể giúp các nhà đầu tư bớt lo lắng về kinh tế Việt Nam, vốn đang đối diện với tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ 1999”.
Tác giả nhận định, việc chi phí nhân công tại các nước trong khu vực như Singapore và Thái Lan cũng như căng thẳng ngoại giao leo thang trong quan hệ Trung – Nhật là những yếu tố góp phần vào sự dịch chuyển của hoạt động sản xuất tới Việt Nam, qua đó đưa thâm hụt mậu dịch của Việt Nam xuống mức thấp nhất hơn một thập kỷ qua.
Theo nhà kinh tế Vincent Conti của ngân hàng ANZ tại Singapore “Việt Nam đang nhận ra lợi thế về chi phí của mình và trở thành một điểm lắp ráp ngày càng được chú ý của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Sự tăng trưởng nhanh này đã giúp đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam và cải thiện cấu trúc của cán cân thương mại vốn dễ tổn thương của họ”.
Dẫn số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế của chính phủ Mỹ, bài báo cho biết số lượng hàng thuộc nhóm máy móc đồ điện, bao gồm modem, điện thoại và các loại thiết bị có dây của Việt Nam xuất vào Mỹ đã tăng 58% trong 8 tháng đầu năm.
Trong khi đó tăng trưởng doanh số của các công ty Trung Quốc trong cùng ngành hàng này chỉ ở mức 11%, của Malaysia là 4%. Những nước trong khu vực từng khá mạnh trong lĩnh vực này như Thái Lan hay Indonesia thì doanh số lần lượt sụt 5% và 16%.
“Việt Nam đang giành thị phần trên thị trường công nghệ từ các nước châu Á khác trong khu vực”, bài báo trích lời ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành quỹ đầu tư công nghệ DFJ VinaCapital LP. “Có nhiều yếu tố tạo nên điều này nhưng chủ yếu là do chi phí nhân công”.
Đối với hoạt động xuất khẩu truyền thống là dệt may, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong năm 2011 của Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ hai trên thị trường Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Tác giả tỏ ra ngạc nhiên khi chỉ ra rằng 10 năm trước kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ chỉ là 47 triệu USD.
Bài báo cho biết xu thế tăng đầu tư vào Việt Nam của các công ty công nghệ thế giới vẫn đang tiếp tục. Trong đó, theo ông Mike Matthes, phó chủ tịch toàn cầu của Jabil, một công ty điện tử có trụ sở tại Florida Mỹ thì công ty này dự kiến sẽ tăng gấp đôi mức đầu tư vào nhà máy của mình tại TP.HCM trong vòng 3 năm tới, từ 50 triệu USD lên 100 triệu USD.
Ông Matthes cũng chia sẻ với Bloomberg rằng số lượng nhân công họ dự kiến sử dụng cũng tăng từ 1.400 hiện tại lên 5.000 người trong 5 năm tới. Những khách hàng lớn nhất của Jabil gồm có Apple Inc, Cisco Systems Inc và Research in Motion Ltd. Sản phẩm của công ty là các loại thiết bị POS và router.
Dẫn nguồn tin của hãng tin Yonhap, Hàn Quốc, bài báo cho biết tập đoàn Samsung cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động mới trị giá 700 triệu USD tại miền Bắc. Đây sẽ là bước khởi đầu cho giai đoạn hai của kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Hiện công suất của nhà máy đầu tiên của tập đoàn này vào khoảng 150 triệu sản phẩm/năm.
Rick Howarth, tổng giám đốc của Intel Products Việt Nam thì chia sẻ với tác giả bài báo rằng dự án trị giá 1 tỷ USD của tập đoàn này tại TP.HCM đang phát triển tốt và: “chúng tôi đang tìm cách tăng mức độ phức tạp của các công việc đang được thực hiện tại Việt Nam. Cùng với thời gian, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một sự phát triển của hệ sinh thái thiết kế và sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam, giúp tăng sự tham gia của đất nước này vào ngành công nghiệp thế giới”.
Nidec Corp., nhà sản xuất động cơ cho ổ cứng lớn nhất thế giới hồi tháng 6 vừa qua cũng khẳng định sẽ mở nhà máy thứ 7 tại TP.HCM trong năm nay. Hiện tại tập đoàn này đang tuyển dụng khoảng 25.000 nhân công.
Ngoài lợi thế về nhân công, tác giả cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất muốn tìm kiếm thị trường khác, ngoài Trung Quốc. “Chúng tôi đang cố gắng đưa ra những lựa chọn thay thế cho các khách hàng có sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Một vài trong số này, vì đồng nhân tệ tăng giá hoặc lí do khác không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông Alessandro Parimbelli, phó chủ tịch tòan cầu tại Italia của tập đoàn Jabil cho biết.
“Kim ngạch xuất khẩu tăng đang giúp Việt Nam giảm thâm hụt thương mại. Từ năm 1993 quốc gia này luôn trong trạng thái thâm hụt với mức đỉnh 18 tỷ USD năm 2008. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 10 tháng đầu năm thâm hụt thương mại của Việt Nam chỉ khoảng 357 triệu USD, giảm rất mạnh so với mức 8,9 tỷ USD cùng kỳ 2011”, bài báo có đoạn.
Theo nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Citigroup tại Hong Kong Johanna Chua thì điều này đang giúp Việt Nam hướng tới một sự ổn định hơn về kinh tế vĩ mô. “Thời kỳ thâm hụt mậu dịch ở mức rất lớn tại Việt Nam có vẻ đã qua”, bà Chua nhận định. “Một phần là do nhập khẩu giờ đã giảm nhưng Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ sự chuyển đổi về cấu trúc.
Thâm hụt thương mại thấp hơn có nghĩa là những lo ngại về rủi ro tỷ giá sẽ giảm bớt và dự trữ ngoại hối sẽ lớn hơn. Điều này giúp tăng lòng tin vào đồng nội tệ cũng như tăng tính ổn định của kinh tế vĩ mô”.