BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu chống chọi đại dịch Covid tốt hơn kỳ vọng
Thứ Năm, 17/09/2020 02:11
Kinh tế toàn cầu chống chọi đại dịch Covid tốt hơn kỳ vọng

Cú sốc Covid-19 đối với nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới không trầm trọng như các nhà kinh tế dự báo cách đây ít tháng, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có trụ sở ở Paris, Pháp.

Các nền kinh tế lớn hồi phục tốt hơn

 

Trong báo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố hôm 16-9, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sụt giảm 4,5% trong năm nay, tốt hơn mức dự báo sụt giảm 6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6. Báo cáo cho biết kinh tế toàn cầu sẽ mất 7.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, tức khoảng 900 đô la trên mỗi đầu người trên toàn thế giới.

Nhà kinh tế truởng của OECD, Laurence Boone, nói: “Chúng ta sẽ tổn thất 7.000 tỉ đô la, tương đương GDP của Pháp và Đức gộp lại”.

 

Các mức báo tăng truởng GDP của Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ, Ý, G20 và thế giới trong báo cáo mới nhất của OECD. Ảnh: PA

Tuy nhiên, OECD cho rằng sự phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều trong toàn cầu. OECD nâng mức dự báo tăng truởng cho Mỹ, Trung Quốc và châu Âu nhưng hạ triển vọng vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển như Mexico, Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia và Ả rập Saudi.

Các nhà kinh tế OECD  cho biết việc hạ dự báo triển vọng này phản ánh tình hình dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa kéo dài.

 

Trung Quốc là nước duy nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn G20 được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức tăng 1,8%, cải thiện do với mức sụt giảm 2,6% trong dự báo của OECD hồi tháng 6. Tăng truởng của Trung Quốc tốt hơn nhiều so với mức suy giảm 3,8% của Mỹ và 7,9% của khu vực 19 nuớc sử dụng đồng euro.

 

OECD cho rằng khả năng kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đã mở đường cho sự phục hồi nhanh chóng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mức suy giảm 3,8% của nền kinh tế Mỹ trong dự báo mới nhất cải thiện nhiều so với mức sụt giảm 7,3% trong dự báo hồi tháng 6 của OECD.

 

Trong năm 2020, nền kinh tế Nam Phi đuợc dự báo sụt giảm 11,5% và mức suy giảm GDP của Mexico và Ấn Độ là 10,2%. Các mức suy giảm này đều lớn hơn so với các nền kinh tế phát triển, ngoại trừ Ý, nước được dự báo suy giảm GDP 10,5% trong năm nay. Mức sụt giảm 10,2% của Ấn Độ trong dự báo mới nhất mạnh hơn nhiều so với sụt giảm 3,7% trong dự báo truớc đây của OECD. Gần đây, Ấn Độ vuợt qua Brazil, trở thành nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

 

OECD cho rằng có sự tương quan mạnh mẽ giữa việc áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt với các mức sụt giảm GDP mạnh nhất. “Chỉ với một số ít ngoaị lệ, những nước chứng kiến tiêu dùng tư nhân sụt giảm (do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt) cũng là những nuớc ghi nhận mức sụt giảm GDP mạnh nhất trong quí 2-2020”, báo cáo của OECD, cho biết.

 

Vẫn còn bất ổn lớn

 

OECD cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo dự báo của tổ chức này vẫn không chắc chắn và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch Covid-19 cũng như sự hỗ trợ tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách. OECD lưu ý đà phục hồi toàn cầu đã mất một số động lực trong những tháng gần đây.

 

“Đà phục hồi vẫn đang diễn ra sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các doanh nghiệp tái mở cửa nhưng bất ổn vẫn cao và niềm tin vẫn rất dễ vỡ”, báo cáo của OECD nhấn mạnh.

Báo cáo cho rằng các lĩnh vực kinh doanh bị dịch bệnh tác động nặng nề nhất như vận tải, giải trí và du lịch có thể đối mặt với làn sóng đóng cửa và thất nghiệp mới nếu nhu cầu không phục hồi nhanh chóng.

 

Một số dự báo của OECD dựa vào các giả định chính sách có thể không thành hiện thực  trong năm nay. Chẳng hạn, OECD dự báo Anh sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do cơ bản với Liên minh châu Âu (EU). Nhưng đàm phán hai bên có thể sụp đổ sau khi chính phủ của Thủ tuớng Anh Boris Johnson giới thiệu một dự luật phá vỡ các điều khoản trong thỏa thuận rời EU của Anh.

 

OECD cũng dự báo Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói kích thích mới trị giá 1.500 tỉ đô la Mỹ trong mùa thu này nhưng cuộc đàm phán giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ đã rơi vào bế tắc. Theo OECD, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với mức 5,2% trong dự báo lần truớc, một phần là do vaccine Covid-19 chưa thể triển khai tiêm chủng rộng rãi vào cuối năm nay.

OECD cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn là rủi ro lớn đối với các hoạt động kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong năm 2021.

OECD cho rằng nếu Covid-19 tái trỗi dậy mạnh hơn hoặc các chính phủ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, điều này có thể khiến mức tăng truởng GDP toàn cầu mất 2-3 điểm phần trăm trong năm 2021 so với mức dự báo. Các nhà kinh tế của OECD nhấn mạnh chặng đuờng phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ rất dài do các tổn thất dai dẳng từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. “Ở hầu hết các nền kinh tế, tổng giá trị GDP vào cuối năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2019”, theo báo cáo của OECD.

 

Khống chế sớm dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là nỗ lực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 có triển vọng tăng trưởng dương trong năm nay. Ảnh: Reuters

Cần duy trì chính sách hỗ trợ

 

Theo OECD, dù đà sụt giảm kinh tế toàn cầu không mạnh như lo ngại trước đó nhưng đà phục hồi đang chậm lại và sẽ cần thêm sự hỗ trợ chính sách từ các chính phủ và ngân hàng trung ương.

“Vấn đề là đà hồi phục hình chữ V sẽ không diễn ra. Ưu tiên số một lúc này là các chính phủ đừng dừng chính sách hỗ trợ kinh tế quá nhanh”, Tổng Thư ký OECD, Angel Gurria, nói.

 

Nhà kinh tế trưởng OECD, Laurence Boone, cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng là các chính phủ tránh mắc sai lầm bằng việc thắt chặt chính sách tài khoá quá nhanh như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nếu như các chính phủ không duy trì chính sách hỗ trợ, các vụ phá sản và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng nhanh hơn và tác động nặng nề đến đời sống của người dân trong những năm tới”

 

Bà lưu ý khi mà thế giới còn phải sống chung với dịch bệnh trong nhiều tháng nữa, nhiệm vụ khó khăn nhất của các chính phủ là xác định cần phải làm gì để hỗ trợ người lao động trong những ngành chịu tổn thương lớn nhất, thay đổi việc làm. OECD lưu ý các chương trình hỗ trợ kinh tế phải nhắm đến các trọng điểm tốt hơn nhằm bảo vệ việc làm trong các ngành bị dịch bệnh tác động nặng nề nhất.

 

OECD cho rằng các nguồn lực hỗ trợ cần phải hướng đến các doanh nghiệp chỉ tạm thời ‘ngắc ngoải’, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp rốt cục không thể sống sót. Điều này có nghĩa là các chính phủ phải chấp nhận để những doanh nghiệp yếu kém bị loại bỏ khỏi thị trường, thay vì tiếp tục hỗ trợ họ.

 

Các nhà kinh tế của OECD cảnh báo nếu các chính phủ không đưa ra đuợc quyết định khó khăn như vậy, họ sẽ tạo ra những doanh nghiệp xác sống (zombie), chỉ sống lay lắt nhờ chính sách hỗ trợ và gây gánh nặng cho nền kinh tế.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Số lượt đọc: 6859
Thông báo