BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Kinh tế thế giới
Cuộc đua hấp thụ dòng tiền rời Trung Quốc
Thứ Hai, 18/05/2020 10:18

Đánh giá sự cạnh tranh về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra trên thị trường thế giới trước luồng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù chứng kiến bức tranh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2016 - 2018.

Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4/2020 đã tăng tới 81,4% so với tháng trước đó. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 33% về số thương vụ giao dịch.

“Những con số này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang âm thầm mua vào khi nhìn thấy tiềm năng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn điều chỉnh vẫn tăng, thể hiện các nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn các dự án, đây là tín hiệu tích cực”, ông Hoàng nói.

Trong hội thảo về Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng do TheLEADER tổ chức, ông Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty Tư vấn và giáo dục John&Partners cho biết, thông tin về việc các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng quy mô hay có kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam cũng thu hút không ít sự chú ý trong thời gian gần đây.

Việt Nam đang có lợi thế về lòng tin của nhà đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Như ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni nhìn nhận, Trung Quốc đang mất dần sự tin cậy của nhiều quốc gia do bị nghi ngờ bưng bít thông tin về dịch bệnh.

Khi đại dịch xảy ra, các nước mới nhận ra là đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt về mảng sản xuất. Các công ty đa quốc gia bắt đầu dịch chuyển qua Việt Nam như một phương án thay thế khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhờ sức hút về khả năng kiểm soát dịch bệnh, về niềm tin của người dân với chính phủ, tính linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của Việt Nam.

Ông Chánh cho biết, Ngoại trưởng Mỹ vừa rồi đã tuyên bố chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thay thế cho Trung Quốc trong việc cung ứng hàng hoá, để thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến về phía trước. Hay trong một khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, có 122 doanh nghiệp trả lời cho biết có di chuyển địa điểm sản xuất. Trong đó, 62,7% nguồn di chuyển là Trung Quốc, còn nơi chuyển đến hàng đầu là Việt Nam, tiếp theo là Thái Lan, Philippines, Indonesia…

Ông Chánh cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới. Trong quá khứ Việt Nam từng bỏ lỡ một số cơ hội nên đây là thời điểm nên mở cửa nhiều hơn.

“Đây chính là cơ hội của Việt Nam để cạnh tranh sòng phẳng về cả yếu tố công nghệ và tri thức. Đây cũng là lý do các công ty công nghệ có thể tăng trưởng vượt bậc và hình thành nên các doanh nghiệp tỷ đô ở Việt Nam”, ông Trường nói.

Không chỉ là cơ hội, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, sự thay đổi chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc đã được nhắc đến trong vài năm gần đây cùng với việc một số doanh nghiệp Tây Âu, Nhật Bản đã dịch chuyển sang Việt Nam còn là một thách thức, bởi nếu không có sự thay đổi, các nhà đầu tư đến rồi sẽ lại rời đi.

Hơn nữa, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, cơ hội không chỉ dành cho mỗi Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng để đón dòng vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Một sự cạnh tranh rất khốc liệt về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra trên thị trường thế giới.

Tháng 4/2020, Chính phủ Ấn Độ đã tiếp cận hơn 1.000 công ty của Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Nước này cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử... Thái Lan cũng quyết không để lỡ cơ hội với loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. Malaysia đã đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô khoảng 240 triệu USD vào giữa năm ngoái nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn họ là điểm đến.

Các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không biết nắm bắt, cơ hội sẽ tuột khỏi tầm tay.

Sẵn sàng đón nhận luồng chuyển dịch

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần chuẩn bị một số yếu tố quan trọng. 

Thứ nhất là chuẩn bị sẵn mặt bằng cho các nhà đầu tư. Ông Mại cho biết, hiện cả nước có hơn 350 khu công nghiệp, khoảng 17 khu kinh tế, trong đó khoảng một nửa diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được lấp đầy. Vì vậy, Chính phủ, lãnh đạo địa phương phải hướng dẫn cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chuẩn bị sẵn mặt bằng để khi các nhà đầu tư muốn rời nhà máy sang hoặc đầu tư mới thì có thể cấp đất dễ dàng, nhanh chóng.

Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về phát triển công nghiệp tăng cao. Năm 2020 được dự báo sẽ là năm của khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng xây sẵn tích hợp các dịch vụ và công nghệ 4.0. Khi quỹ đất trống ngày càng thu hẹp, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp hiện hữu có xu hướng chuyển sang xây dựng nhà xưởng xây sẵn giúp tiết kiệm thời gian và hiệu quả chi phí cho khách thuê muốn thiết lập nhà xưởng nhanh chóng để đi vào sản xuất.  

Nói về tiềm năng công nghiệp, bà Nguyễn Nhất Ly, Phó chủ tịch Lean Group nhận định, hầu hết doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tìm hiểu đầu tư những địa điểm có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi, hiệu quả và có thể hình thành cụm công nghiệp, đặc biệt là những nơi có khả năng cung cấp nguyên liệu trong nước và dễ dàng xuất nhập khẩu tức nơi có đường đi vận tải phù hợp cả đầu vào và ra của sản phẩm.

Ở khía cạnh thị trường, doanh nghiệp rất quan tâm đến thị trường tiêu thụ gần nơi sản xuất. Ở khía cạnh chi phí, doanh nghiệp luôn đề cao nơi có nguồn lao động dồi dào với chi phí lương thích hợp. Trong đó, nổi bật với nhiều tiềm năng là những “vùng đất mới” đang được giới đầu tư nước ngoài chú ý như Vân Đồn, Bắc Vân Phong.

Yếu tố cần chuẩn bị thứ hai, theo ông Mại, là nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet cho biết trong thời gian gần đây nhận được nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn với dự báo tích cực cho giai đoạn 2020 - 2021. Tuy nhiên bà Trinh lưu ý, nhu cầu một số ngành mang tính đặc thù rất cao và yêu cầu một số kỹ năng đặc biệt, không dễ tuyển dụng, mặc dù Việt Nam được đánh giá là có nguồn lao động dồi dào.

Trong bối cảnh mới với sự tác động khá lớn từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động sẽ có những sự chuyển dịch khá sâu sắc. Thay vì tập trung đào tạo, tuyển dụng theo mô tả công việc, bà Trinh cho rằng việc đào tạo, tuyển dụng nên tập trung vào các nhóm kỹ năng cho người lao động để có thể thích ứng với bất kỳ sự chuyển dịch nào, giữa các công việc cùng ngành nghề và giữa các ngành nghề khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, ông Sơn cho rằng Việt Nam cũng cần chú trọng thúc đẩy năng suất lao động. Lương của công nhân Việt Nam đúng là có thấp hơn các nước khác nhưng nếu đem cả yếu tố năng suất vào thì chưa chắc đã thấp.

Thứ ba, theo ông Mại, các thủ tục hành chính cần được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng. Trong Hội nghị Thủ tướng với Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây, các doanh nghiệp đến từ nhiều hiệp hội cũng đã gửi đề xuất, kiến nghị lên Thủ tướng để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đã nhấn mạnh “không xin tiền, chỉ xin hỗ trợ về thể chế”.

Ông Sơn cũng cho rằng, Việt Nam cần tạo ra sân chơi thật tốt, thật bình đẳng cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, chính sách về tỷ giá, lãi suất phải được hoàn thiện để có thể tạo ra nền kinh tế chi phí thấp chứ không phải lãi suất cao. Ngoài ra, cần tăng cường công nghiệp phụ trợ để tăng hàm lượng nội địa nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn.

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, việc cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được các bộ, ngành, địa phương ưu tiên và thực hiện rốt ráo. Hhạ tầng kỹ thuật như đất đai, đường xá và hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Bên cạnh đó, các hoạt động khác như tiếp cận, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư hiệu quả nhằm tạo sự hấp dẫn và giữ chân nhà đầu tư lâu dài cũng đã có những giải pháp cụ thể. Các nhà đầu tư sẽ được nhận những điều kiện, chế độ ưu đãi phù hợp trong khuôn khổ pháp luật quy định. Đồng thời, những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động quản lý đầu tư cũng được Bộ Kế hoạch tham mưu sửa đổi tại Luật Đầu tư sửa đổi đề phù hợp với thực tiễn, tình hình mới.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho rằng, sau đại dịch Covid-19, sẽ có sự chuyển dịch của năm con rồng châu Á, đặc biệt là sự khởi động lại của thương chiến Mỹ-Trung.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên cấu trúc lại đầu vào và đầu ra. Đầu ra nên mở rộng thêm thị trường, đồng thời cũng nên cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch. Đây là cơ hội lớn, doanh nhân Việt Nam nên chuẩn bị, nên bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan để đón nhận.

Số lượt đọc: 5583
Thông báo