Không có chuyện Samsung chuyển sản
xuất sang Ấn Độ
Tin đồn bắt đầu xuất hiện trong
những ngày gần đây, khi Tờ The Economic Times đưa tin rằng, Samsung có thể
chuyển một phần hoạt động sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang
Ấn Độ.
Dễ hiểu vì sao có tin đồn này. Bởi
như Báo Đầu tư đã thông tin, Chính phủ Ấn Độ mới đây đã công bố một chương
trình ưu đãi sản xuất đặc biệt, với tổng ngân khoản khoảng 5,5 tỷ USD trong
vòng 5 năm cho 5 công ty sản xuất smartphone, nhằm thúc đẩy sự phát triển của
ngành công nghiệp này.
Tính bình quân, mỗi công ty sẽ nhận
được khoản hỗ trợ khoảng 220 triệu USD/năm, vài chục USD với mỗi sản phẩm
smartphone có giá trên 200 USD. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ có khả năng cạnh tranh cao
hơn, còn doanh nghiệp thì kinh doanh hiệu quả hơn.
Bởi thế, không chỉ Samsung, mà đã có
tới 22 công ty đệ trình lên Chính phủ Ấn Độ đơn đăng ký nhận hỗ trợ. Với một
chính sách tốt như vậy, việc Samsung hoặc bất cứ doanh nghiệp nào có ý định
chuyển sản xuất smartphone sang Ấn Độ là hoàn toàn dễ hiểu, nếu chỉ nhìn trên
góc độ lợi ích kinh tế.
Cũng hoàn toàn dễ hiểu khi thông tin
Samsung dự định dịch chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ
đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Samsung, sau hơn 10 năm đầu tư
lớn vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư cho đến nay là trên 17,3 tỷ USD, đã có
đóng góp rất to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Chỉ đơn cử trên góc độ thương mại,
năm 2019, với 59 tỷ USD, Samsung đã đóng góp trên 22% tổng kim ngạch xuất khẩu
của Việt Nam. Những đóng góp của Samsung lớn đến nỗi, đã có nhiều ý kiến rằng,
khi Samsung “hắt hơi”, thì kinh tế Việt Nam sẽ bị “sổ mũi”. Vì thế, nếu thực sự
Samsung chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ, kinh tế - xã
hội Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, ngay sau khi “tin đồn”
được đưa ra, phía Samsung Việt Nam đã khẳng định, thông tin về việc Samsung có
thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là “không đúng sự thật”. Theo Samsung, các nhà
máy sản xuất smartphone của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên vẫn đang
hoạt động bình thường, mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản
xuất của nhà máy tại Ấn Độ.
“Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững
vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Tập đoàn”, phía Samsung một
lần nữa nhấn mạnh như vậy.
Thế “giằng co” mới trong cạnh tranh
thu hút đầu tư
Một nghiên cứu vừa được Ngân hàng
Bank of America công bố cách đây ít ngày cho biết, có khoảng 67% công ty tham
gia cuộc khảo sát cho rằng, việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc
về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ
hậu Covid-19.
Trong thế “giằng co” mới, nếu Việt
Nam muốn thu hút các “đại bàng”, hay thậm chí chỉ là “chim sẻ”, thì không thể
chỉ ngồi chờ, mà phải nhanh chóng có hành động và chính sách phù hợp.
Điều này đã được nhắc đến rất nhiều
trong thời gian gần đây, nhất là khi nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu nhận
ra rằng, đã đến lúc không thể phụ thuộc mãi vào một thị trường, mà cần phải đa
dạng hóa chuỗi cung ứng. Vì vậy, thế “giằng co” mới trong cạnh tranh thu hút
đầu tư nước ngoài, trong thúc đẩy và tận dụng cơ hội sự dịch chuyển đầu tư hậu
Covid-19 bắt đầu.
Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đã lần lượt
có các chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp “trở về nhà”, hoặc ít ra là dịch
chuyển sang nước khác. Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng ngay lập tức công bố
một loạt chính sách thu hút đầu tư mới, mà việc hỗ trợ bằng tài chính cho các
nhà sản xuất smartphone của Ấn Độ là một ví dụ điển hình.
Cuộc đua tranh càng căng thẳng và
quyết liệt hơn khi Trung Quốc đang tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư nước
ngoài. Sau khi công bố Luật Đầu tư nước ngoài vào năm ngoái, mới đây, đầu tháng
8/2020, Trung Quốc đã chính thức công bố sẽ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp tới 10 năm cho các doanh nghiệp điện tử, nhất là các công ty sản
xuất chip.
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn luôn là
một thị trường tiềm năng. Tờ Bloomberg đã từng nhận định, sẽ không có quốc gia
nào có thể thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới. Thay vào đó,
có thể chỉ là những Trung Quốc “mini”. Lại thêm “món mồi ngon” mới mà Trung
Quốc vừa tung ra, chưa chắc các công ty công nghệ sẵn sàng rời bỏ thị trường
này.
Trong thế “giằng co” ấy, nếu Việt Nam muốn thu
hút các “đại bàng”, hay thậm chí chỉ là “chim sẻ”, thì không thể chỉ ngồi chờ,
mà phải nhanh chóng có hành động và có chính sách phù hợp. Ở thời điểm hiện
nay, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được
yêu cầu có thể là những điểm yếu chí mạng khiến Việt Nam không dễ trở thành
“công xưởng thế giới” như kỳ vọng. Thậm chí, nếu thiếu chính sách tốt, thì việc
giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu cũng là một thách thức không nhỏ.