BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Kinh tế thế giới
Lý thuyết trò chơi trong cạnh tranh FDI ở ASEAN
Thứ Hai, 16/11/2020 03:16
Lý thuyết trò chơi trong cạnh tranh FDI ở ASEAN

Các quốc gia ASEAN đang có nhu cầu rất cao về nhập khẩu vốn, khiến cuộc đua thu hút FDI diễn ra giống như “lý thuyết trò chơi”.

TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nhận định, áp lực về tài khóa từ nhiều năm thâm hụt ngân sách đang tiếp tục đè nặng, kinh tế ảm đảm, doanh nghiệp đóng băng hoạt động khiến nguồn thu thuế giảm sút, trong khi nguồn lực để đầu tư công và hỗ trợ an sinh xã hội đang vô cùng cần thiết.

 

“Sự sụt giảm về thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt nhiều năm qua được bù đắp một phần bởi thuế quan, tuy nhiên đến khi ký kết thêm một loạt các hiệp định thương mại thì gánh nặng ngân sách lại tiếp tục đặt lên thuế tiêu dùng”, ông Cường nói.

 

Do đó, đây chính là cơ hội nhưng cũng là yếu tố bắt buộc các quốc gia ASEAN phải xem xét lại cơ cấu thuế, đặc biệt là các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc nhóm nghiên cứu hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN đề xuất cần có một mức thuế suất chung cho khu vực ASEAN.

 

Ông Henrique Alencar, tư vấn chính sách về thuế và bất bình đẳng thuộc tổ chức Oxfam Novib cho biết, các cuộc thảo luận về ưu đãi thuế và chi phí thuế đang được tiến hành tại nhiều khu vực trên thế giới.

 

Bên cạnh mức thuế suất chung khu vực, nhiều chính sách nhằm hạn chế ưu đãi quá mức cũng đang được thực hiện, như chính sách đánh thêm phần chênh lệch so với thuế tối thiểu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sáng kiến hệ thống cơ sở dữ liệu thuế toàn cầu.

Thỏa thuận về mức thuế chung ASEAN liệu có khả thi?

 

TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét, các quốc gia ASEAN đang có nhu cầu rất cao về nhập khẩu vốn, khiến cuộc đua thu hút FDI diễn ra giống như “lý thuyết trò chơi”. Để những “người chơi” nhận được lợi ích cao nhất, tức là vẫn nhận được vốn FDI nhưng không phải hy sinh quá nhiều chi phí, cách tốt nhất là có sự thỏa thuận ngay từ đầu.

 

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định, rất khó để có thể đạt được sự hợp tác này trong thời gian ngắn.

 

Theo đó, các quốc gia trong khu vực ASEAN có cách biệt quá lớn về kinh tế, môi trường kinh doanh, dẫn đến nhu cầu thu hút vốn FDI cũng khác nhau. Ngoài ra, sự thiếu tương đồng về thể chế, văn hóa cũng như ảnh hưởng từ các cường quốc trên thế giới cũng tạo ra cản trở nhất định cho tiến trình hợp tác thuế khu vực.

 

Thực tế cho thấy, các quốc gia EU vốn tương đồng và gắn kết chặt chẽ hơn rất nhiều so với ASEAN nhưng cũng chưa thể đưa ra được cam kết chung về thuế suất. Như vậy, để tiến tới một thỏa thuận chung, cần phải có sự kiên nhẫn cũng như lộ trình và kế hoạch rõ ràng.

 

Ông Linh đề xuất tách khu vực ASEAN thành các nhóm nhỏ tương đồng về trình độ phát triển kinh tế và nhu cầu tiếp nhận đầu tư để dễ tìm được tiếng nói chung, đặt nền móng xây dựng thỏa thuận thuế suất khu vực trong dài hạn.

 

Đồng quan điểm với ông Linh về thách thức liên quan tới sự khác biệt giữa các quốc gia ASEAN, tuy nhiên ông Thành nhấn mạnh, cần phải đẩy nhanh việc xây dựng liên minh về thuế suất bởi đây là xu thế chung của thế giới và “các nước cũng không thể nào giảm thuế mãi được”.

 

“Xây dựng cơ chế thu thuế tốt thì chúng ta có được nguồn thu để thúc đẩy đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thu hút FDI hiệu quả hơn so với các ưu đãi trực tiếp. Đây là tầm nhìn cần có của các chính phủ trong khối ASEAN”, ông Thành nhận xét.

Để vượt qua những rào càn, thách thức, cần có sự nỗ lực và nghiêm túc từ phía người dân, các tổ chức xã hội, đội ngũ chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc phản ánh thực trạng, đưa ra đề xuất, kiến nghị để tạo động lực cho chính phủ.

Theo TheLeader
Số lượt đọc: 6051
Thông báo