1. Tình hình ĐTNN của Vương quốc Anh tại Việt Nam
Tính đến 20/10/2021, Vương quốc Anh có 439 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD, chiếm 1% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam, đứng thứ 15/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy mô dự án bình quân là 9,1 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,8 triệu USD/dự án.
Theo lĩnh vực đầu tư: Các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 118 dự án và 1,54 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đăng ký 1,04 tỷ USD, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư; thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với 7 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 701,44 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư: Vương quốc Anh đã có đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh với 199 dự án, tổng vốn đăng ký 906,16 triệu USD, chiếm 22,7% tổng vốn đăng. Lĩnh vực dầu khí đứng thứ hai có 5 dự án, tổng vốn đăng ký là 688,17 triệu USD, chiếm 17,3% tổng vốn đăng ký. Thứ ba là tỉnh Đồng Nai với 9 dự án, tổng vốn đăng ký 584,38 triệu USD, chiếm 14,7% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là Hà Nội, Hải Dương, Long An,...
Một số dự án tiêu biểu
Dự án lớn nhất của Vương quốc Anh tại Việt Nam là dự án Công ty cổ phần thành phố Aqua, cấp phép ngày 22/4/2008, tổng vốn đầu tư đăng ký 518,7 triệu USD. Đây là dự án liên doanh hoạt động kinh doanh bất động sản tại tỉnh Đồng Nai.
Dự án liên doanh Hợp đồng dầu khí lô 06-2, cấp phép ngày 12/12/2000, tổng vốn đầu tư đăng ký 507 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH thành phố Công nghệ xanh Hà Nội, cấp phép ngày 24/12/2014. Dự án 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Hà Nội. Tổng vốn đầu tư đăng ký 302 triệu USD.
2. Giải pháp thu hút đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam trong thời gian tới
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2021, đánh dấu một bước quan trọng mang tính biểu tượng trong quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Việc ký kết UKVFTA là cần thiết và đúng thời điểm, do đó, cần phải tập trung khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định đối với cả hai bên, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, thương mại. Để tang cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hoá các hình thức đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí sản xuất.
- Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Vương quốc Anh để phía bạn hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam và nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam đồng thời quảng bá môi trường đầu tư đang ngày một được cải thiện tại Việt Nam.
- Cần khuyến khích các nhà đầu tư Vương quốc Anh đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, đặc biệt là công nghiệp dược phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, hàng không,…