Tính đến tháng 4/2014, các nhà đầu tư Nhật Bản có
2.619 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 37,5 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng
số dự án và 14,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam), đứng thứ 2 trong số các quốc
gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong các năm qua, Nhật Bản luôn giữ tốc độ đầu
tư cao, ổn định, luôn là 1 trong 2 quốc gia dẫn đầu về thu hút ĐTNN tại Việt
Nam. Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá là hoạt động có
hiệu quả, công nghệ tốt. Đặc biệt, tác phong lao động và kỹ năng làm việc của
doanh nghiệp Nhật Bản luôn được đánh giá cao về sự cần cù chịu khó, thông minh
sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm.
Về lĩnh vực và ngành nghề đầu tư, các dự án của
Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (hiện Nhật Bản có
1344 dự án và 31,3 tỷ USD vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế
tạo, chiếm 83,3% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam). Doanh nghiệp Nhật
Bản cũng đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ
trợ tại Việt Nam. Tháng
7/2013, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong
khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”
trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: bao gồm: điện tử; máy
nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng;
và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Với mục tiêu đưa 6 ngành này thành những
ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực
cạnh tranh quốc tế, các ngành này sẽ giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu
tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản.
Thời gian qua, hoạt động
hỗ trợ cho các nhà đầu tư nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nói
riêng được các cơ quan nhà nước Việt Nam chú ý và thúc đẩy hơn trước. Sáng kiến
chung Việt Nam – Nhật Bản đã bắt đầu khởi động
từ năm 2003. Cho đến nay, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã trải qua
5 giai đoạn, 11 năm thực hiện với mục tiêu cải
thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt
Nam. Có thể nói rằng về cơ bản, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã đạt được
các mục tiêu đề ra, hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trong
quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh
đó, thông qua diễn đàn đối thoại chính sách này, nhiều khuyến nghị chính sách
mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu
hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong
quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cũng như việc tổ chức thực thi, góp
phần hoàn thiện hơn môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, để
thu hút hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là từ các tập
đoàn lớn của Nhật Bản, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ các doanh
nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam bởi đây chính là biện pháp xúc tiến
đầu tư tại chỗ hiệu quả và thiết thực nhất.