BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Định hướng chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ Hai, 02/02/2015 10:17
Định hướng chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp

(Baodautu.vn) Kinh tế Việt Nam đã thực sự hồi phục chưa và trong năm 2015, chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ định hướng vào đâu để tạo cơ hội cho doanh nghiệp là vấn đề được TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015: hội nhập sâu, cạnh tranh khốc liệt” diễn ra hôm 22/1 tại TP.HCM.

Nhận định chung về tình hình kinh tế nước ta hiện nay, TS. Trần Du Lịch cho rằng, từ năm 2015, hội nhập sâu và rộng sẽ là cơ hội lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Là người tham gia nhiều năm với Chính phủ trong chính sách tiền tệ, ông Lịch cho hay, chưa có năm nào mà dư địa để thực hiện các chính sách lớn vĩ mô lại thuận lợi như thời điểm hiện nay.

Cũng theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, năm 2014, cộng đồng DN TP.HCM hình thành 3 nhóm rất rõ nét: (1) Nhóm DN làm ăn tốt, tồn tại và phát triển ngay trong thời kỳ kinh tế khó khăn, như Tập đoàn Tôn Hoa Sen đầu tư thêm 2 nhà máy mới để mở rộng quy mô, hoặc Công ty Giày Thái Bình đạt kết quả khả quan trong kinh doanh; (2) Nhóm chống đỡ cực kỳ khó khăn để tồn tại; (3) Nhóm DN nhỏ và vừa ngưng hoạt động, phần lớn nhóm này không còn thuốc để chữa.

Bước sang năm 2015, nhóm 1 tương đối lớn mạnh. Một bộ phận nhóm đang gượng lên gia nhập nhóm 1 và trông chờ chính sách của Chính phủ và trên thực tế, một bộ phận nhóm thứ 2 đã phục hồi.

“Tôi tin, năm nay, sẽ có nhiều DN nhóm 2 vươn lên nhóm 1”, ông Lịch nói và cho rằng, chính sách là bây giờ phải tập trung vào nhóm 1, đưa nhóm thứ 2 phục hồi thực sự, để không rơi vào nhóm thứ 3, bởi thị trường đang diễn ra quá trình tái cấu trúc rất nghiệt ngã.

Vậy các DN trông chờ gì ở năm 2015? Năm 2015, Nghị quyết 01/2015/NQ-CP của Chính phủ  (ban hành ngày 3/1/2015) cho thấy, chưa bao giờ chính sách vĩ mô của Chính phủ nhất quán như vậy. Các chính sách không nóng vội để xử lý tăng trưởng, mà tập trung ổn định vĩ mô. “Chưa bao giờ hệ thống pháp luật kinh tế lại hoàn thiện, hướng tới hội nhập, tạo thuận lợi cho DN như hiện nay”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh và cho rằng, đây chính là cơ sở để DN có thể phát huy nội tại, gia tăng cạnh tranh hội nhập trong giai đoạn sắp tới.

Với những điều kiện thuận lợi từ chính sách vĩ mô, TS. Trần du Lịch dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ vượt 6,2%, có thể đạt 6,5% và làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Đồng quan điểm, song TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế vẫn đang phải đối diện rủi ro, khó lường trước của kinh tế thế giới bởi tác động từ địa chính trị phức tạp.

Kinh tế thế giới phục hồi chủ yếu nhờ kinh tế Mỹ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…) đều giảm khá mạnh. Ví dụ, Trung Quốc năm 2015 dự báo tăng trên 7,5%, nhưng có thể chỉ đạt 6,7-6,8%; Nga năm 2015 có thể tăng trưởng âm. Mặt khác, có những đối tác Việt Nam đang làm ăn, thị trường sẽ rộng mở hơn như Mỹ, có những đối tác khó khăn hơn như châu Âu, Trung Quốc...

Vấn đề nữa là giá dầu, tác động nhiều chiều, tích cực có, tiêu cực có, tùy tầm nhìn ngắn hay dài hạn.

Bối cảnh kinh tế thế giới là vậy, song với kinh tế trong nước, mặt tích cực, theo ông Thành là chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số xuất khẩu có nhiều dấu hiệu tích cực. Nếu năm 2013, xuất khẩu chủ yếu được dẫn dắt bởi Sam Sung, thì năm 2014, mức tăng xuất khẩu của DN nội địa là 10% (năm 2013 chỉ 2-3%).

“Kinh tế vĩ mô giờ nhìn lạc quan hơn trước, nên Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Trong rất nhiều năm ở Việt Nam, chưa bao giờ các nhà khoa học lại đồng thuận với Chính phủ trong dự báo cơ bản kinh tế Việt Nam đến như vậy (6 - 6,1% trong năm 2015)”, TS. Võ Trí Thành nói.


Số lượt đọc: 301
Thông báo