BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Mở lối cho doanh nghiệp
Thứ Tư, 24/12/2014 09:50
Mở lối cho doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, tại Khoản 2 Điều 14 quy định: "công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ như nhau và điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (DN), phải đăng ký với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp"

Quy định nêu trên là một trong những điểm mới, tiến bộ của Luật DN (sửa đổi). Bởi lẽ, với quy định cứng nhắc, mỗi DN chỉ có một người đại diện theo pháp luật như hiện nay, không ít khó khăn đã xảy ra đối với DN khi vì một lý do nào đó, người đại diện theo pháp luật của DN không thực hiện nghĩa vụ của mình. Chẳng hạn, do bất đồng với các cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật đã rời bỏ nhiệm sở, không quản lý, điều hành hoạt động của DN, trong khi đó, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật lại thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với công ty cổ phần và hội đồng thành viên với công ty TNHH. Khi DN chưa tổ chức được cuộc họp theo quy định hoặc cuộc họp không thống nhất được việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, DN sẽ bị ngừng hoạt động. Cho phép công ty cổ phần và công ty TNHH có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, khó khăn nêu trên, nếu xuất hiện sẽ được khắc phục ngay.

Quy định mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được đánh giá là một trong những nổi bật của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Hơn nữa, với những DN kinh doanh đa ngành, trong đó có một ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện và pháp luật quy định người đại diện theo pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề, sẽ không thể thực hiện hoạt động kinh doanh ngành nghề đó nếu chỉ có một người đại diện theo pháp luật và không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Trong trường hợp này, DN có thể đăng ký người đại diện theo pháp luật thứ hai, có chứng chỉ hành nghề và quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh của ngành nghề tương ứng.

Tuy nhiên, quy định 'Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ như nhau' là không rõ ràng. Trước pháp luật, người đại diện theo pháp luật quản lý lĩnh vực nào thì phải chịu trách nhiệm toàn diện về lĩnh vực đó. Song, trong nội bộ DN, khi đã có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên, quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật không thể như nhau. Quan trọng hơn là, Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm sự minh bạch trong quản lý DN và xác định nghĩa vụ đối với từng người đại diện theo pháp luật trước pháp luật.

Số lượt đọc: 330
Thông báo