Ông Amilhat đến Việt Nam hơn hai mươi năm trước trong tư cách của phái viên EC, khi tổ chức này cùng với các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu tái cấp viện trợ cho Việt Nam sau gần hai thập kỷ bị cô lập. Văn phòng đầu tiên của phái đoàn EU đặt trong một garage ô tô cũ kỹ trên phố Thái Phiên, Hà Nội. “Thiết bị đáng kể nhất trong văn phòng hồi đó là cái bàn. Có những ngày mưa làm ướt hết cả hồ sơ, tài liệu”, ông Amilhat nhớ lại giai đoạn ban đầu của EC ở Việt Nam. “Nói thế để thấy, Việt Nam đã đi qua một chặng đường rất dài”, ông nói.
Khoản viện trợ không hoàn lại của EU đưa ra trong bối cảnh GDP đầu người của Việt Nam đã đạt gần 2.000 đô la Mỹ, cao hơn vài chục lần so với cách đây hai thập kỷ. Song, nhiều điều kiện của nó cũng chẳng khác gì so với trước. “Tôi nhấn mạnh Việt Nam cần chú trọng khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ tạo nhiều việc làm, dễ phát triển nhưng dễ tổn thương. Đó là thông điệp quan trọng giúp đầu tư nước ngoài tin vào chính sách của Việt Nam... Tôi hy vọng Việt Nam sẽ sử dụng khoản tiền này vào đúng chỗ để có thể làm mồi để khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân. Đấy là mong muốn của EU”, ông nói trước khi tham dự Diễn đàn các đối tác phát triển Việt Nam - một diễn đàn giữa các nhà tài trợ và Chính phủ hàng năm - cuối tuần trước.
Khu vực tư nhân vẫn chưa lớn được
Quan tâm của EU về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng giống như của nhiều nhà tài trợ quốc tế khác. Nhiều năm sau khi có Luật Công ty năm 1997, rồi Luật Doanh nghiệp năm 2000, đến nay khu vực doanh nghiệp này vẫn chưa lớn nổi.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, cả nước đã có gần 800.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính cả 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, thì có tới 99,9% doanh nghiệp tư nhân là siêu nhỏ. Đáng buồn thay, khu vực doanh nghiệp này đang ngày càng mong manh do chịu đựng những bất ổn vĩ mô kéo dài.
“Số lượng doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc ngừng hoạt động đang ngày càng gia tăng”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, nói. Ngân hàng Thế giới ghi nhận có tới 270.000 doanh nghiệp tư nhân đã đóng cửa hay ngừng hoạt động kinh doanh kể từ năm 2010 tới nay.
Bà Kwakwa phân tích thêm, kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng manh mún và hạn chế. “Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài”, bà Kwakwa nói trong phiên đối thoại với Chính phủ.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Tomoyuki Kimura đồng tình: “Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng khi đóng góp tới 70% GDP và tạo ra tới 80% công ăn việc làm. Chúng tôi mong khu vực kinh tế tư nhân trở nên mạnh hơn vì họ giúp Việt Nam tăng tự chủ trong các cú sốc đến từ bên ngoài”, ông nói. Ông đề nghị Chính phủ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong mua sắm công, tăng cường khả năng tham gia của họ trong chuỗi giá trị của quá trình hội nhập.
Những rào cản như nấm
Bên cạnh sự quan tâm tới phát triển khu vực tư nhân, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014, có tên gọi “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, còn tập trung vào các vấn đề chính liên quan đến cải cách thể chế kinh tế thị trường.
Ca ngợi Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua, bà Kwakwa đề cập đến hàng loạt thay đổi do đổi mới mang lại song quả ngọt dễ hái đã hết. Bà nói: “Việt Nam nêu rõ thực hiện cải cách thể chế là để chuyển dịch sang kinh tế thị trường. Việt Nam đã chọn cách đi thận trọng và chậm hơn các nền kinh tế kế hoạch trước đây, tuy nhiên đi chậm cũng có rủi ro riêng, nhất là nguy cơ tạo ra những nhóm lợi ích cản trở đổi mới... Cần một sự chuyển hướng mạnh mẽ thì mới có đổi mới thành công lần này”.
Trình bày tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung chỉ ra hàng loạt rào cản về thể chế. Mỗi năm trung bình có khoảng 20 luật và 100 nghị định được ban hành; nhưng có tới hơn 600 thông tư và hàng ngàn văn bản điều hành. Nội dung của luật không đổi, nhưng nội dung thông tư hướng dẫn thay đổi, thậm chí thay đổi thường xuyên, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Luật pháp chưa ổn định, thiếu minh bạch, khó tiên liệu, có thể gây tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh, ông thừa nhận.
Bên cạnh đó, pháp luật về kinh doanh có điều kiện còn phức tạp, chưa thân thiện, tạo rào cản gia nhập thị trường khi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật. Đất đai và các vấn đề liên quan đến đất đai được quy định tại 21 luật, 1 nghị quyết Quốc hội, 22 nghị định, 12 chỉ thị và 17 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 230 thông tư của các bộ và quyết định của các bộ trưởng trong quản lý đất đai. Pháp luật về đất đai còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho hình thành và vận hành tốt thị trường quyền sử dụng đất.
Ông Cung dẫn ra những con số để cho thấy chất lượng văn bản pháp luật chưa cao. Trong bốn năm 2009-2012, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 8.779 văn bản; phát hiện 2.473 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng Bộ chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ 106 văn bản có nội dung trái pháp luật; chỉ ra thông báo đối với 207 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền và nội dung để cơ quan ban hành tự xử lý.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thiết lập được đầy đủ thể chế thị trường cạnh tranh đối với các ngành hạ tầng mạng, nhất là thị trường năng lượng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
“Tất cả các rào cản này đang ngăn cản Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường”, ông Cung nói.
Và những cam kết
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận những khiếm khuyết này. Ông nói: “...Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang chậm lại. Nguyên nhân cơ bản là do những động lực cho tăng trưởng được tạo ra bởi các cải cách (từ Đại hội VI) đã và đang yếu dần; không còn đủ mạnh để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vấn đề quan trọng này và coi cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh là trọng tâm xây dựng và điều hành chính sách trong giai đoạn năm năm tới”.
Cam kết với các nhà tài trợ quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp như là động lực, là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh thêm, Chính phủ sẽ đẩy nhanh cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Pierre Amilhat đã rời Hà Nội, sau khi thăm trụ sở của EC tại Lotte, tòa nhà thông minh bậc nhất ở thủ đô. Khi được hỏi, một phần trong số tiền 400 triệu euro sẽ giúp Việt Nam tăng cường pháp quyền chỉ ra điều gì, ông nói: “EU gây dựng dựa trên sự dân chủ, đã có những lúc có khó khăn nhất định nhưng chúng tôi nhận thấy rằng một khi có sự tham dự và can dự của nhân dân, tham dự mạnh mẽ của nghị viện, khi nghị viện được trao quyền giám sát việc chi tiêu của ngân sách thì chính phủ hoạt động với thái độ, cách thức mang tính trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cao hơn... Chúng tôi cố gắng thuyết phục những đối tác của chúng tôi, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, là làm sao nâng cao chất lượng quản trị công tốt”.