Doanh nghiệp, nhà đầu tư ngóng chờ bởi họ muốn thấy thông điệp “cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn” và “người đứng đầu cơ quan nào không làm được thì mời làm việc khác” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối năm ngoái, được thể chế hóa thành nhiệm vụ với chế tài cụ thể.
Chỉ có vậy, những kết quả đã đạt được của Nghị quyết 19 về các chỉ số nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận điện mới được duy trì và lan tỏa, thúc đẩy việc cải thiện các chỉ số còn lại, tạo sự bứt phá chắc chắn về thứ hạng của Việt Nam trong Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu.
Hơn thế, vào lúc này, khi giá vốn, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đang ở mức rất hợp lý do tác động của giá dầu thế giới, nếu chi phí và thời gian tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh được cắt giảm nhanh và, thì dư địa để huy động nguồn lực xã hội tham gia vào cải cách, thực hiện tái cơ cấu phù hợp với mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và hiệu quả sẽ rất lớn.
Tất nhiên, sự ngóng đợi này đang tạo thêm áp lực vốn đã rất nặng lên vai những người đứng đầu các bộ, ngành được nêu tên trong Nghị quyết 19 cũng như nghị quyết mới tới đây. Có thể nhìn thấy trước điều này khi phân tích tiến độ thực thi các giải pháp mà Nghị quyết 19 đã phân giao cho các bộ, ngành.
Cụ thể, Nghị quyết đề ra 7 giải pháp tổng thể và 49 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong số 7 giải pháp tổng thể, 4 giải pháp đã được thực hiện và bước đầu có kết quả, 1 giải pháp được thực hiện, song chưa có kết quả rõ ràng và 2 giải pháp chưa được thực hiện. Đối với 49 giải pháp cụ thể, mới có 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả, 16 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng và 25 giải pháp chưa được thực hiện, chiếm tỷ lệ quá nửa. Thậm chí, có tới 5 bộ chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao.
Cũng phải nói thêm, Nghị quyết 19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch hành động. Song, hầu hết các kế hoạch hành động này chưa bám sát các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế, không nêu rõ lộ trình thời gian và cách thức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu không bám sát các tiêu chí theo thông lệ quốc tế, các kế hoạch hành động của các bộ, ngành và cách ứng xử của đội ngũ công chức sẽ khó vượt qua được tư duy làm việc theo thói quen. Khi đó, khó có cửa cho các giải pháp cải cách thực sự.
Thêm vào đó, trong lần xếp hạng môi trường kinh doanh 2015/2016 tới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố thay đổi cách tính. Theo đó, những tiêu chí mới bổ sung sẽ đi sâu hơn vào quá trình sau kê khai của các thủ tục hành chính như những năm trước. Ví dụ, tiêu chí về thanh tra thuế, hoàn thuế và xử lý khiếu nại về thuế sẽ được bổ sung vào tiêu chí nộp thuế.
Rõ ràng, vai trò có ý nghĩa quyết định rất lớn tới của công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đang rơi vào từng vị trí công chức của các cơ quan quản lý nhà nước, những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, với người dân