BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và vai trò của FDI
Thứ Năm, 04/12/2014 08:49
Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và vai trò của FDI

Phát triển CNHT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam. Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn ngành CNHT đóng một vai trò quan trọng bởi đây là luận điểm cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam.

   1.     Một vài nét về ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ  (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện,  phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.

Phát triển CNHT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam.

Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn ngành CNHT đóng một vai trò quan trọng bởi đây là luận điểm cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam. CNHT được ví như như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi chính là ngành CN sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Như vậy, CNHT có một số vai trò nổi bật sau đây đối với các ngành công nghiệp cũng như đối với toàn bộ nền kinh tế quốc gia:

Bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế. Việc cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, các bán thành phẩm ngay trong nội địa làm cho nền công nghiệp chủ động, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu. CNHT không phát triển làm cho các ngành công nghiệp chính thiếu sức cạnh tranh và phạm vi phát triển cũng giới hạn trong một số ít các ngành.

Hạn chế nhập siêu. Do luôn luôn phải nhập khẩu nguyên liệu và các linh phụ cho sản xuất lắp ráp trong nước, hầu hết các nước đang phát triển lâm vào tình trạng nhập siêu. Phát triển CNHT, vì vậy góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực trong nước, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô. Phát triển CNHT sẽ là một trong các biện pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng nhập siêu của nền kinh tế các quốc gia đang phát triển, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.

Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính. Cùng với việc chủ động trong nguồn cung ứng, chi phí của sản phẩm công nghiệp cũng giảm đáng kể do cắt giảm chi phí vận chuyển, lưu kho, tận dụng nhân công rẻ và nguồn nguyên liệu ngay tại nội địa. Việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh “thế giới phẳng“ ngày nay sẽ tạo ra các sản phẩm có đặc thù riêng của quốc gia, có sức cạnh tranh hơn hẳn các sản phẩm chỉ được lắp ráp bởi các linh kiện và nguồn cung ứng toàn cầu.

Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Các giai đoạn thượng nguồn và các hạ nguồn là khu vực tạo ra giá trị gia tăng cao. Đây chính là công đoạn của các ngành CNHT. Trong khi trung nguồn với các hoạt động lắp ráp, gia công là khu vực ít tạo ra giá trị gia tăng nhất. Như vậy, một quốc gia có thể tạo ra giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp khi khu vực thượng nguồn với nguyên phụ liệu, cụm linh kiện được cung ứng ngay trong nội địa. Phát triển CNHT, vì vậy, góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực trong nước, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô.

Phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ: CNHT hầu hết do hệ thống DNNVV đảm nhiệm, đây là khu vực doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, là nền tảng sáng tạo của quốc gia. Đặc biệt, phát triển hệ thống DNNVV là một trong các biện pháp hữu hiệu đối phó với khủng hoảng kinh tế, là đối trọng để cân bằng với các tập đoàn kinh tế khổng lồ hay bị tác động nhanh và mạnh nhất của các khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài . CNHT không phát triển sẽ làm cho các công ty sản xuất thành phẩm phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài, nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm, phí lưu kho bãi, ứ đọng vốn cho việc nhập khẩu và lưu kho... sẽ làm tăng chi phí đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Các công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý chuỗi cung ứng nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm CNHT khác.

2. Thực trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và vai trò của FDI

CNHT bắt đầu hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiệu thụ nội địa. Chất lượng chi tiết, linh phụ kiện chế tạo nâng cao dần. Xu hướng chuyên môn hóa đã hình thành. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia và đứng vững trong dây chuyền sản xuất mang tính toàn cầu của các tập đoàn nước ngoài.

Tuy vậy, hiện tại, công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở 'thế hệ công nghiệp thứ hai', vì vậy việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa cao là khó có thể đạt được. Nhìn chung ngành CNHT Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai và manh mún.

Số lượng các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản và cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ. Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ có thể tập trung đầu tư và phát triển sản xuất các loại phụ tùng linh kiện có kích cỡ cồng kềnh với công nghệ sản xuất không phức tạp và chỉ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Thứ hai, năng lực của các nhà cung ứng chưa mạnh. Các doanh nghiệp nội địa có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các nước, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư FDI. Một trong những điểm yếu nhất là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D). Thứ ba, yêu cầu đặt ra cũng như chính sách thu mua từ phía các công ty FDI rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và thực hiện các khế ước hợp đồng. Thực tế, các doanh nghiệp nội địa khó có khả năng đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu này, nguyên nhân chính vẫn là năng lực sản xuất kinh doanh và uy tín của các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ mạnh.

Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy

Hiện tại, CNHT cho ngành công nghiệp xe máy được coi là thành công nhất, với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Do đặc thù phát triển với quy định nội địa hoá của Chính phủ và dung lượng thị trường hạ nguồn lớn, CNHT cho ngành xe máy đã phát triển mạnh ở Việt Nam. Do thị trường tiêu thụ tốt, doanh nghiệp lắp ráp khi đầu tư vào Việt Nam đã kêu gọi được nhiều các nhà cung ứng đầu tư theo.

Đến nay, khả năng chế tạo các linh kiện và phụ tùng lắp ráp trên ô tô ở trong nước còn rất hạn chế, đa phần là các bộ phận có giá trị thấp. Tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất và lắp ráp ô tô đạt thấp và khó có khả năng tăng cao do nhu cầu sử dụng tại thị trường nội địa nhỏ không tương xứng quy mô công suất kinh tế.

 Ngành công nghiệp điện tử

CNHT phục vụ ngành điện tử ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai ở cả quy mô, trình độ phát triển công nghệ, năng lực quản lý và kỹ năng lao động.

Việc phát triển CNHT để tăng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm và thu hút đầu tư nước ngoài chỉ thực sự bức thiết trong ba năm gần đây do tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập. Từ ngày 01/01/2006 theo lộ trình AFTA, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu hàng điện tử và điện máy nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ 30 - 40% xuống 0 - 5%, nên để cạnh tranh với sản phẩm của các nước ASEAN, các nhà sản xuất trong nước (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI) phải tìm kiếm phụ tùng linh kiện sản xuất trong nước để giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm. Từ ngày 11/01/2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, thuế nhập khẩu hàng nguyên chiếc và nhiều phụ tùng linh kiện giảm đi, một số ưu đãi dành cho ngành điện tử bị bãi bỏ theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO nên đã có một số doanh nghiệp FDI gặp khó khăn. Trước sức ép mạnh mẽ của các cam kết WTO, việc phát triển CNHT để tăng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm, hạ giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trở nên rất cấp bách. Không những vậy, từ khi Việt Nam gia nhập WTO một làn sóng đầu tư nước ngoài mới đã tràn vào Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện tử, điển hình là dự án đóng gói và đo kiểm CHIP của hãng Intel (Mỹ) 1 tỉ USD, dự án sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao của hãng Foxconn (Đài Loan) 5 tỉ USD. Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư nước ngoài khác muốn chuyển cơ cở sản xuất của họ từ một số nước trong khu vực về Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển CNHT của Việt Nam, vì để thực hiện một dự án lớn các nhà đầu tư nước ngoài cần hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ CNHT.

Khả năng cung ứng cho các ngành công nghiệp là một trong các vấn đề được các TNCs cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia. Nền kinh tế với các ngành CNHT mạnh và có thể đáp ứng nhu cầu cho các nhà lắp ráp là một trong các nhân tố tác động mạnh đến thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp. Quá trình này thường được bắt đầu bằng việc các nhà lắp ráp sẽ lôi kéo các nhà cung ứng từ nước ngoài vào nước sở tại, tạo nên lớp cung ứng thứ nhất. Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp nội địa bán sản phẩm cho các doanh nghiệp cung ứng FDI này, tạo nên lớp thứ 2, lớp thứ 3 trong hệ thống cung ứng. Dần dần doanh nghiệp nội địa có thể phát triển thành nhà cung ứng lớp thứ 1. Do đó, đầu tư nước ngoài trong CNHT chiếm vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp này liên quan chặt chẽ đến quy mô sản xuất và tiêu thụ của khách hàng của họ - nhà lắp ráp ở thị trường nội địa. Nếu quy mô sản xuất và tiêu thụ của nhà lắp ráp thấp, nhà cung ứng FDI không muốn đầu tư và công ty lắp ráp sẽ phải nhập khẩu đầu vào. Điều này làm giá thành sản xuất cao và nhà lắp ráp không muốn đầu tư vào quốc gia đó trong dài hạn.

Cho đến nay, chưa có các thống kê về dự án FDI trong các lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo về tình hình phát triển CNHT ở Việt Nam, các quốc gia quan tâm và đầu tư sản xuất CNHT tại Việt Nam hiện bao gồm chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Đầu tư của Nhật Bản:

Tính đến hết tháng 11 năm 2014, Nhật Bản đã có 2.454 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư là 36,59 tỷ USD, đứng thứ 2 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Xét theo lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản. Lĩnh vực này dẫn đầu về số lượng dự án cũng như vốn đầu tư với  1.282dự án với tổng số vốn đăng ký là 30,5 tỷ USD (chiếm 83,6% tổng vốn đầu tư).

Trong sự phát triển CNHT của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong số các dự án kể trên, có nhiều tập đoàn lắp ráp điện tử lớn của Nhật Bản đang sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, như Cannon; Panasonic, Sanyo…; trong công nghiệp ô tô và xe máy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật đang dẫn đầu thị trường tiêu thụ tại Việt Nam, như Toyota Việt Nam; Honda Việt Nam; Yamaha Việt Nam; Suzuki Việt Nam…. Các doanh nghiệp này tạo ra thị trường cho việc sản xuất sản phẩm CNHT ngành điện tử và cơ khí để cung cấp cho các nhà lắp ráp của Nhật Bản, tiến tới xuất khẩu. Tuy vậy, CNHT cho đến nay mới chỉ phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất xe máy.

          Đầu tư của Hàn Quốc:

Tính đến tháng 11 năm 2014, Hàn Quốc có 4063 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,7 tỷ USD, đứng đầu trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Xét theo lĩnh vực đầu tư, cũng giống như Nhật Bản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được nhiều nhất FDI của Hàn Quốc với  2.471 dự án và 23,4 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 60,8% tổng số dự án và  63,4% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam).

Hiện nay, các dự án của tập đoàn Samsung được kỳ vọng sẽ thu hút phát triển CNHT mạnh ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp nội địa sẽ tạo nền tảng cung cấp linh kiện cho nhiều ngành khác, đồng thời kích thích doanh nghiệp Việt Nam phát triển để cung ứng cho các doanh nghiệp FDI này.

Đầu tư của Đài Loan

Tính đến tháng 11 năm 2014, Đài Loan có 2353 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, 80% là các dự án trong lĩnh vực chế biến và chế tạo với số vốn đầu tư chiếm 82,5% trên tổng số. Có thể nói, đa số đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, rất nhiều trong đó liên quan đến CNHT.

Các dự án sản xuất CNHT của Đài Loan ở Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực cung ứng cho ngành xe máy, điện tử. Trong ngành công nghiệp xe máy, VMEP Đài Loan đầu tư vào Việt Nam sớm nhất và đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất linh phụ kiện cho xe máy đầu tư theo vào Việt Nam, tập trung rất lớn ở tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở lớp giữa chuyên cung ứng cho ngành xe máy, có vốn đầu tư từ Đài Loan như Seewell, VPIC1… trong nhiều năm qua đã giữ vai trò quan trọng trong phát triển CNHT ngành xe máy ở Việt Nam.

3. Kết luận

Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng một vai trò quan trọng và là luận điểm cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam. Phát triển CNHT hiện là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ       Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phát triển ngành CNHT.  Tuy nhiêm, do dung lượng thị trường còn nhỏ bé, việc áp dụng chính sách khuyến khích ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp CNHT khó thực hiện được vì vi phạm các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vào lĩnh vực được coi là các ngành thâm dụng công nghệ và vốn này.

Vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Đa số các tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng rất ít trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài.

Các dự án sản xuất CNHT được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua như Intel, Foxconn… hầu hết là sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này hầu hết cũng 100% nhập khẩu. Các nhà sản xuất CNHT xuất khẩu loại này ít có động cơ nội địa hóa.

 Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ, nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của các công ty đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới.

Số lượt đọc: 1626
Thông báo