Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn, Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho hay.
Với Luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, núp bóng.
Theo ông Thắng, Luật mới bổ sung 10 nhóm quy định để đảm bảo tính thống nhất với các luật, liên quan đến chính sách về đất đai, thuế... Ngoài chặn đường đầu tư chui, Luật còn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, động, thực vật hoang dã...
Đặc biệt, luật đã quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần; mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Đối với Luật Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) đánh giá bước tiến lớn nhất là sự chủ động trong việc nâng cấp luật, thay vì đợi những vướng mắc rồi mới sửa.
So với Luật cũ, Luật Doanh nghiệp mới nới lỏng các điều kiện gia nhập thị trường, giảm bớt thủ tục, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn. Luật cũng tạo bước tiến về quản trị doanh nghiệp, trao quyền cho cổ đông chống xung đột lợi ích, đặc biệt là vấn đề lạm dụng quyền cổ đông lớn gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ.
Với doanh nghiệp nhà nước, Luật không đồng nhất một loại doanh nghiệp Nhà nước mà chia ra nhóm 100% và nhóm 51-100%, qua đó nâng hiệu quả, minh bạch hóa thông tin tương tự doanh nghiệp niêm yết. Luật doanh nghiệp mới cũng tăng cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán và tạo điều kiện dễ dàng gia nhập thị trường với các trường hợp M&A.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ các dự án hạ tầng thuộc các tập đoàn, tổng công ty, chiều 10/7, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết Bộ đã rà soát kỹ và thấy rằng vướng mắc trong chậm trễ đầu tư công không nằm ở Luật mà ở Nghị định nhiều hơn. Do đó,, Bộ đã trình hai Nghị quyết để xử lý những vướng mắc trong việc thực hiện các dự án này, liên quan đến việc giao, phân định quản lý vốn và xác định trách nhiệm từng cơ quan từ đơn vị nhận vốn, cơ quản chủ quản trước đây và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. "Cho đến nay các dự án đầu tư công này bắt đầu có những tín hiệu triển khai tốt và đồng bộ", ông Thắng cho biết.
Với việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ 15/8. Theo đó, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ được chấm dứt, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Luật PPP cũng khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo ông Thắng, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả dự án PPP với tỷ lệ cố định 50-50 cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng. Việc chia sẻ cũng phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu để đảm bảo tính chính xác.