BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Chính sách đầu tư vào
'Việt Nam cần ưu đãi mới có tính cạnh tranh để đón sóng FDI hậu Covid-19'
Thứ Hai, 15/06/2020 01:55
'Việt Nam cần ưu đãi mới có tính cạnh tranh để đón sóng FDI hậu Covid-19'

Việt Nam cần có ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác để thu hút những tập đoàn hàng đầu thế giới.

'Việt Nam cần ưu đãi mới có tính cạnh tranh để đón sóng FDI hậu Covid-19'

 

Thảo luận tại Quốc hội về kinh tế xã hội hôm nay, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) đã đề nghị 4 giải pháp để thu hút những tập đoàn hàng đầu thế giới.

 

Thứ nhất, Việt Nam cần có ưu đãi mới trong lĩnh vực đầu tư, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.

 

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật (nhất là các Luật Đầu tư, Đầu tư công, Đất đai, Quy hoạch), đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật.

 

Đồng thời kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên.

 

Thứ ba, Chính phủ cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử.

 

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chú trọng phòng, chống bằng những cải cách về thể chế, bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật và các hoạt động kinh tế.

 

Cũng đề cập tới vấn đề đón sóng FDI thời hậu Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) đề nghị cần có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, bên cạnh những kế hoạch cụ thể, chủ động từ các cấp.

 

Theo ông Hiền, Chính phủ cũng cần chỉ đạo rà soát và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm, bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí.

 

Hiện nay Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào EU, đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng để khai thác thế mạnh cũng như đối phó được những thách thức, nhất là thách thức đối với khu vực hành pháp khi Hiệp định bảo hộ đầu tư có hiệu lực thi hành.

 

Cơ chế hiệp định bảo hộ đầu tư khi có các tranh chấp xảy ra thì đây là những tranh chấp giữa 1 bên là nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư đến từ các nước EU và một bên là nhà nước Việt Nam và ngược lại, do đó việc thiếu trách nhiệm hay sai của cá nhân khi thực hiện công vụ của mình có thể sẽ dẫn đến những tranh chấp và những vụ khiếu kiện không đáng có.

 

Vì vậy, đại biểu Hiền cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức có liên quan để hạn chế những tranh chấp giữa các bên.

 

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Chính phủ phải có các giải pháp đặc biệt, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho sản xuất trong nước, thông qua việc lựa chọn một số doanh nghiệp trong nước tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.

 

Ông nêu ví dụ nên có cơ chế ưu đãi để các tập đoàn nước ngoài bắt tay với doanh nghiệp trong nước hình thành ngành công nghiệp đường sắt. Cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều lần việc chúng ta xây dựng từng dự án đường sắt hay nhập từng đoàn tàu riêng lẻ.

 

“Chúng ta không có tham vọng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, nhưng đây cũng chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc kinh tế”, theo đại biểu Cường.

 

Mặt khác, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đã ‘trải thảm đỏ’ cho các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia rót vốn. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ưu ái đó, thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.

 

"Chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế", ông Tùng nhấn mạnh.

 

Ông Tùng dẫn chứng, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.

 

“Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí”, theo ông Tùng.

Theo TheLeader
Số lượt đọc: 1904
Thông báo