Kết quả cho thấy 92,34% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về chính sách đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 5, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, quy định tại khoản 3 Điều 5 là phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, kinh nghiệm quốc tế và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Để thực hiện chính sách trên, Luật đã bổ sung nhiều quy định về quốc phòng, an ninh quốc gia, xác định thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, quy định chỉ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khoản 3 Điều 47). Qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), đa số ý kiến đề nghị quy định Phụ lục 1, 2, 3 tại dự thảo Luật và sửa đổi, bổ sung nội dung phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quy định Phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát, cập nhật nội dung các phụ lục này theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế.
Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại Điểm h Khoản 1 Điều 6.
Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 15 và Điều 16), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế). Đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...
Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20), Luật được tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Đồng thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Báo cáo giải trình cũng làm rõ một số vấn đề về chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5); thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29); thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31); chuyển nhượng dự án đầu tư (Điều 46); sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh (Điều 75).
Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật đầu tư (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, hoàn thiện quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Đối với nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Hiệp định song phương về đầu tư, dự thảo Luật bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo mô hình, phương thức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới, sáng tạo; sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Đồng thời, giao Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này…
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư cho các địa phương, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; nâng cao tính minh bạch, khả thi và đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đầu tư,…
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Điều 7 về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Điều 20 về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; Khoản 4 Điều 75 về sửa đổi bổ sung điều 13, 14 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp./.