Tuy nhiên, việc thu
hút và sử dụng ÐTNN thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần tập
trung khắc phục. Ðồng thời, bối cảnh thế giới và tình hình trong nước đang đòi
hỏi phải chủ động điều chỉnh định hướng chiến lược thu hút và sử dụng ÐTNN phù
hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Nhìn lại 30 năm thu
hút và sử dụng ÐTNN
Năm 2018 đánh dấu
chặng đường 30 năm thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước về thu hút và sử dụng ÐTNN. Ðồng hành cùng công cuộc đổi mới
của đất nước, khu vực ÐTNN không ngừng phát triển và trở thành một bộ phận cấu
thành quan trọng của nền kinh tế. Thực tiễn 30 năm qua cũng cho thấy ÐTNN luôn
đóng vai trò là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với 184 tỷ USD được
giải ngân trong 30 năm, ÐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng vào tổng vốn đầu
tư toàn xã hội. Tỷ trọng vốn ÐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ gần
15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Ðóng góp của ÐTNN vào GDP cũng ngày càng cao.
Nếu như năm 1995, khu vực ÐTNN mới chiếm 6,3% trong GDP, thì đến năm 2017 đã
chiếm tới 19,6%. Khu vực này cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với
giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD giai đoạn 1994 - 2000 lên 14,2 tỷ USD
giai đoạn 2001 - 2010. Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực ÐTNN đạt
23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Riêng năm 2017 đạt 8 tỷ USD,
chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước.
Với 58,2% vốn ÐTNN tập
trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khu vực ÐTNN góp phần quan
trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy khu vực
này đang tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, góp phần
hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: dầu khí, viễn
thông, điện, điện tử... ÐTNN góp phần phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng
cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển,
logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch...; chuyển dịch cơ cấu nông
nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Hoạt động ÐTNN cũng
đóng góp quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam, thúc
đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào
mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Những thành tựu nêu
trên đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Ðảng và Nhà nước
là một quyết sách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được,
việc thu hút và sử dụng ÐTNN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập
cần sớm được giải quyết, khắc phục.
Trước hết, liên kết
của khu vực ÐTNN với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao.
Chuyển giao công nghệ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư của
các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) còn thấp; đầu tư từ Hoa Kỳ, EU vào Việt Nam
còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số dự án ÐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vẫn có tình trạng doanh nghiệp
(DN) có vốn ÐTNN sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ cũ, không phù hợp, gây ô
nhiễm môi trường. Ðặc biệt đã có một số dự án gây sự cố ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng. Một số DN có vốn ÐTNN chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp
luật về thuế, lao động. Trong một số trường hợp, việc thu hút ÐTNN chưa tính
toán đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Ðịnh hướng chiến lược
mới
Cùng với việc tiếp tục
khẳng định khu vực ÐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế,
được khuyến khích phát triển lâu dài, cần tập trung hoàn thiện thể chế, hệ
thống luật pháp chính sách nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đóng góp
của ÐTNN cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới. Trên
cơ sở đánh giá tổng kết bước đầu về những thành tựu đã đạt được, những hạn chế,
bất cập trong thu hút và sử dụng ÐTNN trong 30 năm qua, cũng như trước bối cảnh
quốc tế và trong nước, có thể xác định một số định hướng lớn sau đây:
Về ngành, lĩnh vực, ưu
tiên thu hút ÐTNN vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ
thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết
bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất
lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng
kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng cách mạng công
nghiệp 4.0.
Bảo đảm hài hòa giữa
tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia
tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào
tạo nguồn nhân lực trong nước.
Tăng cường thu hút nhà
ÐTNN, DN có vốn ÐTNN, đặc biệt là các TNCs liên kết với DN trong nước để hình
thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Tiếp tục thu hút ÐTNN
vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da
giày..., nhưng tập trung vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với quy
trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về địa phương, vùng,
thu hút ÐTNN phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch
từng địa phương trong mối liên kết vùng, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã
hội - môi trường. Ðối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc
phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế,
việc thu hút ÐTNN cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an
ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.
Về thị trường và đối
tác, đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút ÐTNN từ các thị trường và đối tác tiềm
năng. Coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc,
Xin-ga-po, Hoa Kỳ, Ðức, Anh... Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối
tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các
nước phát triển hàng đầu thế giới, các TNCs nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến
và trình độ quản trị hiện đại.
Chủ động, theo dõi,
đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng ÐTNN và công nghệ lạc hậu, không thân thiện
với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút
các dự án đầu tư phù hợp với định hướng.
Thu hút ÐTNN từ các DN
nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải bảo đảm điều kiện nâng cấp công
nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công
nghiệp hỗ trợ. Ðồng thời, tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường của
Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để
thu hút ÐTNN.
Một số giải pháp chủ
yếu
Ðể thực hiện các định
hướng trên, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới, mà trước hết tập trung vào
ba vấn đề sau:
Thứ nhất, hoàn thiện
thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị
trường hiện đại, hội nhập; tôn trọng đầy đủ các quyền tự do kinh doanh, quyền
sở hữu, quyền tài sản của nhà đầu tư, trong đó có nhà ÐTNN; bảo đảm vận hành có
hiệu quả các loại thị trường; thúc đẩy thị trường hóa nhân tố sản xuất, thực
hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư nhằm
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoàn thiện khung pháp
luật về đầu tư, DN, quy hoạch, quản lý lao động nước ngoài, du lịch, nhập cảnh,
xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài theo hướng đồng bộ, thống nhất nhằm thực
hiện đầy đủ chủ trương thu hút và sử dụng ÐTNN có chọn lọc, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp có vốn ÐTNN, người
nước ngoài làm việc trong các DN này.
Sửa đổi, bổ sung các
luật hiện hành phù hợp với Luật Cạnh tranh năm 2018 để áp dụng thống nhất đối
với hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), trong đó có hoạt động M&A của
nhà ÐTNN, kiểm soát chặt chẽ hành vi thâu tóm của nhà ÐTNN và DN có vốn ÐTNN
đối với DN trong nước, đặc biệt là DN lớn, DN vận hành trên nền tảng công nghệ.
Nghiên cứu, đề xuất
giải pháp tổng thể, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách (ngoại hối,
thuế, hải quan, khoa học công nghệ, đầu tư...), xây dựng cơ sở dữ liệu đến từng
bước yêu cầu DN công bố thông tin để ngăn ngừa, hạn chế và xử lý tình trạng
chuyển giá, trốn thuế của DN, gồm cả DN có vốn ÐTNN.
Ðổi mới chính sách ưu
đãi đầu tư theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, gắn với đóng góp và trách
nhiệm của DN, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
trên cơ sở tiêu chí cụ thể để thực hiện định hướng thu hút và sử dụng ÐTNN.
Thứ hai, đẩy mạnh nâng
cao năng lực của doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy liên doanh, liên kết với
doanh nghiệp ÐTNN theo nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Bộ
Chính trị và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp thiết để
khơi dậy các tiềm năng nội lực dài hạn.
Thứ ba, kiện toàn bộ
máy quản lý Nhà nước theo hướng đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Phân định rành
mạch chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan ngành dọc, giữa Trung ương và các cấp
địa phương, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành. Làm rõ cơ chế lãnh đạo tập thể
và trách nhiệm cá nhân. Tăng cường công tác đào tạo lại đội ngũ cán bộ ở cả
Trung ương và địa phương, nhất là kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của khu vực
công và năng lực hoạch định, thực thi chính sách.
Tiếp tục hoàn thiện cơ
chế phân cấp; cơ chế theo dõi, thanh tra, kiểm tra trên nguyên tắc giải quyết
kịp thời vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình
đầu tư kinh doanh, đồng thời bảo đảm giám sát có hiệu quả việc tuân thủ các cam
kết, điều kiện đầu tư kinh doanh của DN, dự án đầu tư, nhất là các DN, dự án
hoạt động tại những địa phương có nhiều dự án ÐTNN, các địa bàn, khu vực nhạy
cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo,
vùng đặc quyền kinh tế.
Nước ta đang bước vào
giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những thách thức lớn, những cơ hội mới chưa
từng có đang được mở ra, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bứt phá. Ðể
khai thác các cơ hội đó, việc khắc phục những hạn chế, bất cập cũng như thực
hiện có hiệu quả các chính sách mới nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất
lượng ÐTNN có vai trò hết sức quan trọng. ÐTNN chỉ có thể phát huy hiệu quả một
khi có sự thống nhất nhận thức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng
đồng doanh nghiệp, cũng như trên cơ sở hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách
được hoàn thiện dựa trên quan điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội
nhập quốc tế và đòi hỏi của công cuộc phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
NGUYỄN CHÍ
DŨNG
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư