Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định, mặc dù, với những thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu khiến cho Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, năng suất cây trồng thấp, chất lượng nông phẩm không cao và các ngành phụ trợ trong chế biến không tạo nên giá trị gia tăng cao đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là, tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm và vì thế, nông nghiệp phát triển kém bền vững.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún. “Doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết”, ông Bình nhấn mạnh.
Các con số thống kê của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp được điều tra (chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp so với tổng số 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm.
Đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ lệ là 96,53% trong tổng số doanh nghiệp; có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp với 47,63%, tiếp đến là thủy sản (35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (16,94%). Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức khiêm tốn, dù đã tăng tới 1,42 lần so với năm 2009, nhưng cũng chỉ đạt mức 30.419 tỷ đồng vào năm 2014. Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cũng thấp không kém, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.
Mặc dù phải thừa nhận rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có hướng đi đúng, vẫn có thể gặt hái thành công. Một số nhà đầu tư thành công đã trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Đường Lam Sơn, Công ty TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc... Ngoài ra, các tín hiệu gần đây cũng cho thấy đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Him Lam, Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần FLC...
Cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, lũy kế các dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực đến tháng 6/2016 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774,9 triệu USD. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 53,1 triệu USD, với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, để dòng vốn đổ vào nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, tạo cú hích cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, các cơ quan chức năng đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả phù hợp với từng ngành hàng, lĩnh vực. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế nhằm tạo cơ chế mới thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với tổ hợp tác; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.