BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Họp Ban soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ Tư, 29/06/2016 03:17
Họp Ban soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(MPI) - Ngày 24/6/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 07/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội phía Nam, các Hiệp hội DNNVV, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia. Đồng thời, đã đăng tải Dự thảo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu những nội dung của dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo bao gồm 7 chương, 49 điều, cụ thể: Chương 1: Những quy định chung, gồm 8 điều. Chương II: Nội dung hỗ trợ DNNVV, gồm 9 điều. Chương III: Chương trình hỗ trợ DNNVV, gồm 16 điều. Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ DNNVV, gồm 6 điều. Chương V: Ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV, gồm 4 điều. Chương VI: Khen thưởng và xử lý vi phạm về hỗ trợ DNNVV, gồm 3 điều. Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều. Dự thảo quy định các nội dung, kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV, quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm mục tiêu đưa ra biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNNVV thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV. Xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV. Củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV từ trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân. Nâng cao hiệu quả điều phối, giám sát và đánh giá thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Bên cạnh đó, nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi và tạo cơ hội cho các DNNVV có tiềm năng trong ngành, lĩnh vực được lựa chọn để hình thành lực lượng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển hiệu quả trên cơ sở lợi thế của Việt Nam trong quá trình tham gia hội nhập. Đồng thời, tạo khung pháp lý để mọi thành phần kinh tế, nhà tài trợ, nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về Kết cấu chung của Dự thảo; Đối tượng áp dụng; Tiêu chí xác định DNNVV; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Quỹ tương hỗ DNNVV; Quỹ đầu tư khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng cho khởi nghiệp; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; Chương trình hỗ trợ DNNVV theo mục tiêu; Hội đồng phát triển DNNVV; Hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV tại địa phương… Đa số các đại biểu nhất trí với nội dung và ý nghĩa của dự thảo Luật và cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật là cần thiết, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và khắc phục những yếu kém hiện tại của DNNVV Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nghiêm túc trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật nhằm đáp ứng mục tiêu của Chính phủ làxây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trởthành động lực của nền kinh tế và đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Luật đáp ứng được đặc thù, đặc điểm, bản chất của DNNVV của Việt Nam và không vi phạm cam kết quốc tế khi tham gia hội nhập. Trong đó, phải quy định cụ thể hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ bằng cách gì và phải tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp chứ không chỉ có riêng cho DNNVV. Đặc biệt, phải đưa ra những quy định hỗ trợ rõ ràng, ví dụ về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ về thông tin, tư vấn, đào tào, bồi dưỡng nguồn nhân lực,… cho DNNVV. Không thể dựa vào ngân sách nhà nước để bao cấp mà hỗ trợ của nhà nước có tính hỗ trợ ban đầu. Đồng thời nhấn mạnh, phát triển DNNVV chính là phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về đối tượng áp dụng, tiêu chí DNNVV, tổ chức bộ máy, cách thức hỗ trợ, đối tượng đại diện cho DNNVV,… Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về hỗ trợ DNNVV, từ đó đưa ra những nội dung, vấn đề phù hợp với đặc điểm, nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; Lựa chọn những vấn đề, chương trình hỗ trợ khả thi, cụ thể để Luật đi vào cuộc sống; Thay đổi tư duy trong cách tiếp cận, hỗ trợ để đạt mục tiêu phát triển của đất nước.

Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến quan trọng, tạo ra cơ chế để có sự tham gia của nhiều đối tượng, cá nhân tổ chức trong và ngoài nước vào hỗ trợ DNNV./.


Số lượt đọc: 1040
Thông báo