Tạo đột phá trong thu hút các nguồn lực
Thực tiễn hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức PPP thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng và Nhà nước về huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng là đúng đắn. Chỉ trong một thời gian ngắn (giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là trong 3 năm 2013, 2014 và 2015), ngành giao thông vận tải (GTVT) đã huy động được hơn 186 nghìn tỷ đồng ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (trong tổng số hơn 202 nghìn tỷ đồng huy động được từ trước đến nay). Theo thống kê của Bộ GTVT, trong lĩnh vực GTVT, đến hết năm 2015, cả nước đã có hơn 70 dự án được triển khai theo hình thức PPP, dưới các dạng hợp đồng như BOT, BOO, BT, BTO, BOO, O&M…, trong đó hình thức hợp đồng phổ biến nhất ở nước ta vẫn là BOT.
Lý giải thực tế nêu trên, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hình thức hợp đồng BOT ngoài tận dụng các ưu điểm của mô hình PPP nói chung thì BOT còn là dạng thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), huy động mạnh mẽ được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nhằm giảm bớt khó khăn về nguồn vốn đầu tư công.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mô hình hợp đồng BOT cho phép Nhà nước sử dụng được kinh nghiệm quản lý hiệu quả, sự sáng tạo, công nghệ hiện đại của khu vực tư nhân. Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn như hiện nay, đầu tư theo dạng thức hợp đồng BOT là một giải pháp giúp giảm áp lực về ngân sách cho Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời cho phép Chính phủ có được các công trình hạ tầng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của người dân, hoạt động của các tổ chức kinh tế - xã hội, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
Cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông
Cuối năm 2015, Việt Nam đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vượt tiến độ 18 tháng so với kế hoạch ban đầu; đồng thời cũng hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch (trong đó có 17 dự án BOT). Bên cạnh đó, thời gian qua, thông qua hình thức PPP, dạng hợp đồng BOT, chúng ta đã vận hành khai thác 704 km đường bộ cao tốc nằm trên trục đường Bắc - Nam (vượt 104 km so với mục tiêu đề ra), giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung và Nam với các cảng biển cửa ngõ, các cửa khẩu quốc tế. Nhờ đó, bộ mặt hạ tầng giao thông của nước ta đã có những thay đổi mang tính đột phá, được thế giới ghi nhận. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện 2 năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng thứ 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Việt Nam hiện được xếp vào top 3 của khu vực Đông Nam Á về có đường cao tốc lớn và hiện đại.
Về hiệu quả đầu tư của các dự án BOT, Bộ GTVT cho biết, ngoài việc tính toán đảm bảo hiệu quả tài chính hoàn vốn đầu tư, các dự án BOT cụ thể đã mang lại nhiều lợi ích do rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Đơn cử, theo ước tính, sau khi đưa vào vận hành các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giảm được 50% thời gian đi lại, giảm 30% chi phí...
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khung khổ pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP nói chung và đầu tư các dự án BOT giao thông nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Vì thế, hoạt động đầu tư theo hình thức này ngày càng được mở rộng.
Và trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp, nợ công đã chạm ngưỡng an toàn, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng thời gian tới rất lớn, thì “cánh đồng” PPP đang rất có triển vọng, rộng cửa chào đón nhà đầu tư.