Hơn thế, số lượng doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM cũng chiếm khoảng 1/3 tổng số DN của cả nước; các DN FDI cũng như các DN lớn trong nước hoạt động trong các lĩnh vực tri thức và tạo giá trị gia tăng cao đang tập trung chủ yếu ở TP.HCM. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của TP.HCM vẫn chưa thực sự tương xứng với tầm vóc của trung tâm kinh tế đầu tàu phía Nam và cả nước.
Theo các chuyên gia, có ba vấn đề then chốt làm cho TP.HCM không thể bật lên, gồm ngân sách thành phố được giữ lại quá ít; đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu để thực thi nhiệm vụ; Thành phố chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng; Vai trò của đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp chưa được phát huy đúng mức trong cấu trúc vận hành của Thành phố. Vì vậy, những gì TP.HCM cần để có thể phát triển nhanh hơn chính là cơ chế tạo động cơ khuyến khích và nguồn lực được giữ lại để có cơ sở hình thành tầm nhìn chiến lược và mục tiêu dài hạn với sự tham gia đông đảo của đội ngũ doanh nhân.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, TP.HCM cần có quy hoạch với tầm nhìn trong 20 - 30 năm tới, tạo môi trường và điều kiện cho doanh nghiệp tự do cạnh tranh thực sự. Phải đề xuất với trung ương cho TP.HCM các chính sách vượt trội để thực sự trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực phía Nam. “TP.HCM phải là cái nôi lý tưởng nhất để hình thành và nuôi dưỡng các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, vươn tầm khu vực, quốc tế. Một đô thị đặc biệt như TP.HCM cần được định danh, định lượng bằng sức cạnh tranh, tầm cỡ của các tập đoàn kinh tế lớn. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, cạnh tranh giữa các quốc gia, các thành phố cũng chính là cạnh tranh giữa các tập đoàn kinh tế lớn với nhau” ông Bảo nhấn mạnh.