BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Cần chiến lược mới trong thu hút FDI vào công nghiệp
Thứ Ba, 14/03/2017 02:24
Cần chiến lược mới trong thu hút FDI vào công nghiệp

Cần một chiến lược chọn lựa FDI, ưu tiên FDI từ các doanh nghiệp đa quốc gia (MNCs) có uy tín về công nghệ và thanh danh, và khuyến khích liên doanh với doanh nghiệp…, là khuyến nghị của các chuyên gia cho Chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn tới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra sáng nay, 10/3 tại Hà Nội đã chỉ ra nhiều vấn đề của ngành công nghiệp Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo có Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia đến từ hơn 20 tổ chức quốc tế.

Công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn cho NSNN

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết,  qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Cụ thể, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp và chính sách công nghiệp gia thành khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật bao quát khá đầy đủ, bao gồm: Nhóm các chính sách chung; Nhóm các chính sách ngành, 38/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp, 40/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch.

Từ 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp duy trì ổn định trong khoảng 33-34%/tổng giá trị sản xuất của cả nền kinh tế đất nước. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước.

Sau gần 10 năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế nước ta, bình quân kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế đất nước và tỷ trọng ngày càng tăng (năm 2015 chiếm 91,9% so với năm 2007 chiếm 88,9%).

Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên chiếm 97,3%).

Hiện nay, ngành công nghiệp cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Năm 2014, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp đã nộp ngân sách 382.159 tỷ đồng chiếm tới 57,4% trong tổng số 665.799 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Không chỉ đóng góp lớn vào NSNN, tạo công ăn việc làm, 10 năm qua, đầu tư cho sản xuất công nghiệptăng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài tăng mạnh; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.

Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển công nghiệp mười năm gần đây tăng gần 3 lần (năm 2015 là 557.273 tỷ đồng so với năm 2007 là 205.667 tỷ đồng). Tỷ trọng vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp trong tổng vốn toàn xã hội tăng từ 38,7% năm 2007 lên 40,8% năm 2015.

Tổng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế Nhà nước cho phát triển công nghiệp mười năm gần đây tăng hơn 2 lần (năm 2015 là 151.696 tỷ đồng so với năm 2006 là 72.662 tỷ đồng). Đặc biệt, tổng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà chủ yếu đầu tư cho sản xuất công nghiệp mười năm gần đây tăng gần 5 lần (năm 2015 là  318.100 tỷ đồng so với năm 2006 là 65.604 tỷ đồng).

Một số ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ đổi mới, nâng cấp công nghệ khá nhanh theo hướng hiện đại như ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin-viễn thông, dầu khí,...

Trong 10 năm (2006-2015), nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 14,8% (1.437 doanh nghiệp tương đương với 2,27% với công nghệ cao và 8.007 doanh nghiệp tương đương với 12,66% với công nghệ trung bình cao năm 2015).

Chất lượng tăng trưởng chậm, phụ thuộc khối FDI

Quá trình phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn vừa qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế.., được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo.

Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Trần Văn Thọ cho rằng, công nghiệp Việt Nam đang ở trình độ thấp, chủ yểu đang phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Nền công nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực FDI không có sự kết nối chặt chẽ với khu vực tư nhân trong nước. Hiện nay, FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại di động.
Báo cáo kết quả phát triển công nghiệp và chính sách công nghiệp quốc gia 2006-2015

“Cho đến nay, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng lao động ngành công nghiệp còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu thị trường lao động sản xuất công nghiệp. Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả” , GS.Trần Văn Thọ đánh giá.

Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách công nghiệp thời gian qua cho thấy, chất lượng tăng trưởng công nghiệp tuy có những chuyển biến tích cực song mức độ cải thiện còn rất chậm, công nghiệp Việt Nam nhìn chung đang ở mức độ phát triển thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực yếu.

Công nghiệp chế biến chế tạo  luôn đóng góp trên 50% vào tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (trung bình 53,27% trong giai đoạn 2011-2015). Nhưng,  phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của nước ta đến nay ít thay đổi, vẫn dựa vào ngành có công nghệ thấp đến trung bình và nhờ mở rộng quy mô, song cơ hội mở rộng ngành sẽ giảm đi do chi phí lao động tăng lên và các ưu đãi chính sách cũng giảm khi Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập.

Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/ năm, tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

So với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức năng suất lao động ngành chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippine cao gấp 3,6 lần).

Theo GS. Trần Văn Thọ , tỷ lệ nội địa hóa có tăng trong thời gian qua nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực  và nhất là nội địa hóa tăng chủ yếu do doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Để giải quyết các vấn đề tồn tại của ngành công nghiệp, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh, cần  thúc đẩy nhanh tiến trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng. Rà soát và lập lại chiến lược hội nhập. Song song với mở cửa thị trường cần chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp tiềm năng bằng các công cụ chính sách thích hợp. Không phải ký kết FTA thì chính phủ không làm được gì để hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển công nghiệp.

'Việt Nam  cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn'.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fullbright Việt Nam, Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm cá biệt như hiện nay mà nên thực thi chính sách ưu tiên một số lĩnh vực năng lực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.


Số lượt đọc: 1315
Thông báo