BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Chính sách đầu tư vào
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại với doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam
Thứ Năm, 24/05/2018 03:57
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối thoại với doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam

Trong khuân khổ Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đối thoại với doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Hội thảo do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức ngày 15/5/2018, tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Tại Hội thảo, một số vấn đề đại biểu nêu như đặc khu kinh tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đối thoại trực tiếp.

Đối với vấn đề quản lý kinh tế tại đặc khu kinh tế và kỳ vọng về luật đặc khu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho, liên quan xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, sẽ thành lập 3 đặc khu vào cuối năm 2018 và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây.

Về chủ trương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc thay đổi tư duy. Đó là sự thống nhất trong chỉ đạo chung, tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới vượt trội, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Qua đó, tạo nên sự tăng trưởng, một nơi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, mang tính lan tỏa các khu vực xung quanh và toàn nền kinh tế.

Về mục tiêu, dự kiến hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo môi trường sống ổn định, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Về cách tiếp cận, xác định lợi thế so sánh trong khu vực quốc tế, đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn, tầm nhìn mang tính chiến lược và mục tiêu của các đặc khu.

Về nguyên tắc, xác định thể chế không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia, không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Xây dựng thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhất quán - ổn định - lâu dài - có tính vượt trội, nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm với sự cam kết của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, với sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học và nhà nghiên cứu trong nước, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đảm bảo đạt chất lượng, thu hút được nhà đầu tư và tính khả thi của các đặc khu sau khi được Quốc hội ban hành.

Đối với tác động của CPTPP đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có thế chể cao, luật chơi mới hình thành cấu trúc thương mại mới, có quy mô và phạm vi lớn nhất trong hợp tác song phương và đa phương trên thế giới.

Đầu tư nước ngoài được nhìn nhận từ góc độ các nước thành viên sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, đó là cam kết mở cửa thị trưởng, mở rộng không gian, lĩnh vực đầu tư hơn từ các nước thành viên khi rào cản được gỡ bỏ. Tham gia CPTPP tạo áp lực cho Việt Nam trong quá trình cải cách cho phù hợp, đây là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện môi trường đầu tư và sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như nguồn lực, đất đai, năng lượng..., xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa cơ hội tham gia CPTPP.

Đối với việc Hoa Kỳ rút khỏi CPTPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có ảnh hưởng nhưng không lớn. Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều cơ chế và thể chế hợp tác thông qua hiệp định khung đầu tư và thương mại, Hoa Kỳ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đồng thời tin tưởng, Hoa Kỳ sẽ sớm quay lại tham gia CPTPP để giữ nhịp độ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới./.


ĐTNN
Số lượt đọc: 1496
Thông báo