Đối thoại
chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và KEIDANREN được xây dựng trên cơ sở
sáng kiến chung giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Liên đoàn các
tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp trao đổi,
thảo luận với các doanh nghiệp thuộc KEIDANREN những giải pháp hướng tới mục
tiêu phát triển kinh tế bền vững và thực hiện chiến lược công
nghiệp hóa của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam,
triển vọng và thách thức trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản,
bao gồm cả hợp tác trong khu vực Đông Á. Các vấn đề đối thoại được lựa chọn liên
quan tới tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
KEIDANREN là tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản bao
gồm đại diện của 1.300 công ty, 121 hiệp hội công nghiệp trong nước và 47 tổ
chức kinh tế tầm khu vực. KEIDANREN đại diện cho giới kinh tế và công nghiệp
Nhật đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh
nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong suốt thời gian qua. Việc thiết lập kênh đối
thoại giữa KEIDANREN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo cơ hội thuận lợi cho việc đầu
tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Trong năm 2013 và 2014, hai bên đã tổ chức hai
cuộc Đối thoại chính sách. Tại hai cuộc đối thoại này, hai bên đã trao đổi,
thảo luận về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam; các giải pháp, chính
sách phát triển kinh tế bền vững; cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia
Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015; triển vọng của doanh nghiệp Nhật Bản khi Việt
Nam hội nhập sâu rộng; tăng cường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực
công nghiệp....
Cuộc đối thoại lần thứ ba vừa được tổ chức vào sáng ngày 02/11/2015 với chủ đề “Hướng tới giai đoạn phát
triển mới trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Tham dự cuộc đối thoại có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ,
ngành liên quan và gần 40 đại
biểu đại diện cho các doanh nghiệp, chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản thuộc Liên đoàn
các tổ chức kinh tế Nhật Bản.
Cuộc
đối thoại lần thứ ba tập trung vào một số vấn đề sau:
(i) Trao
đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào một số lĩnh vực ưu tiên
phát triển, bao gồm 6 ngành ưu tiên phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt (điện tử; máy
nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng
lượng, ô tô và phụ tùng ô tô);
(ii) Tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam;
(iii) Hợp
tác phát triển trong lĩnh vực nông, giải pháp để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản và phát triển
ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại.
(iv) Trao đổi một số vấn đề cụ thể (phát triển hạ
tầng sân bay; các quy định về đấu thầu đối với dự án lớn; một số vướng mắc
trong thực hiện dự án ODA; một số vấn đề về thủ tục hành chính (thuế, hải quan,
visa đối với du khách Nhật Bản, hệ thống thu phí điện tử trên đường cao tốc);
quy định liên quan đến các tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phát triển logistic
trong lĩnh vực vận tải. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh các chính sách pháp
luật liên quan .
Tại buổi đối
thoại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn coi
trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho VN, là đối
tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, là đối tác thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở VN, trong đó nhiều
tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là thành viên của KEIDANREN đã đầu tư và đóng
góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Hướng tới
sự hợp tác đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, thời gian qua, 2 nước đã
xây dựng nhiều cơ chế đối thoại hợp tác đặc biệt mà chính phủ VN áp dụng riêng
với Nhật Bản như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, chiến luợc CNH Việt Nam -
Nhật Bản hướng tới 2020 tầm nhìn 2030, cơ chế đối thoại thường niên với các tổ
chức và doanh nghiệp Nhật Bản thông qua phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật
Bản và KEIDANREN, các cơ chế hỗ trợ hợp tác giữa các nhà đầu tư NB với các địa
phương của VN. Việc duy trì Đối thoại chính sách giữa
các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan
trọng, giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật
pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam.
Cũng tại buổi Đối thoại, Thứ trưởng
Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã hết sức nỗ lực để thực thi
các biện pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tuy nhiên kết quả
vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, mặc dù Nhật Bản và Việt Nam đã có rất
nhiều cơ chế hợp tác, Việt Nam mong muốn Nhật Bản thời gian tới sẽ có các hỗ
trợ hiệu quả, thiết thực hơn nữa thông qua các kế hoạch hành động, các hỗ trợ
cụ thể. Bên cạnh đó, ngoài việc góp ý về luật pháp chính sách thông qua các
buổi tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, Việt Nam đề nghị Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ
kỹ thuật để các cơ quan Việt Nam tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt
động.