Trong những năm gần đây, công nghệ cao được coi như là một trong các lĩnh
vực trọng tâm cần thu hút FDI. Các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với
môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, các ngành và lĩnh vực
tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản
xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là mục tiêu cũng như định hướng thu hút FDI của
Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Thời gian gần đây, các công ty công nghệ cao đã
chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Tiên
phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của
những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic,
Nidec… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và
đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư.
Tiếp theo, sự xuất hiện của dự án Intel,
Samsung, Microsoft, rồi LG, Jabil đều đã khẳng định điều này. Tập đoàn Samsung
cho đến nay đã đầu tư 14,2 tỷ USD tại Việt Nam. Jabil đã cam kết đầu tư thêm
500 triệu USD nữa ở TP.HCM. Còn Microsoft và LG đều đang dịch chuyển các cơ sở
sản xuất vào Việt Nam.
Các dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia tín
hiệu rõ nét cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất
giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong
bối cảnh dòng vốn FDI đang có những khó khăn cũng như cạnh tranh lớn hiện nay.
Điều này cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa
quốc gia, đặc biệt với các dự án công nghệ cao.
Hiệp định TPP kết thúc đàm phán trong tháng 10
vừa qua cũng có tác động lớn hơn nữa tới dòng vốn này. Bởi một trong những cam
kết trong TPP là Việt Nam và các quốc gia thành viên sẽ phải thực thi nghiêm
túc và triệt để quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, tham gia vào TPP, thị
trường tiêu thụ được mở rộng cũng là lợi thế để thu hút nhiều hơn nữa các nhà
đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào vì trong bối cảnh hội nhập, nhà
đầu tư mở nhà máy sản xuất không chỉ để phục vụ tiêu thụ nội địa, mà cái đích
xa là cơ hội đưa hàng vào thị trường rộng lớn mà Việt Nam kết nối sau khi thực
thi các cam kết.
Ngoài ra, để thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao thì việc hoàn thiện
chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh
nghiệp FDI, trong đó có sự phân biệt rõ về chính sách ưu đãi đối với từng loại
hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư mạnh
mẽ của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này.