ẤN ĐỘ SẼ MỞ RỘNG ĐẦU TƯ
* Thưa ông, hiện nay doanh nghiệp (DN) Ấn Độ muốn đầu tư vào Đồng Nai ở những lĩnh vực nào?
- Vào đầu tháng 7-2022, sau chuyến thăm và làm việc với Đồng Nai, tôi thấy trên địa bàn tỉnh có nhiều lĩnh vực có tiềm năng để DN Ấn Độ liên kết đầu tư vào như: công nghệ thông tin, công nghiệp, y tế, giáo dục…
Tỉnh có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, đất đai, khí hậu, công nghiệp phát triển nên DN đầu tư vào dễ đạt hiệu quả cao. Tới đây, tôi sẽ làm cầu nối giới thiệu cho các DN Ấn Độ đang muốn đầu tư mới và mở rộng đầu tư ở Việt Nam đến Đồng Nai để tìm cơ hội đầu tư vào một số ngành nghề. Cuối năm 2022, sẽ có hàng trăm DN Ấn Độ đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư và Đồng Nai là một trong những nơi nhiều DN muốn đến để tìm hiểu môi trường đầu tư và liên kết để cung ứng hàng hóa cho nhau.
* Ông có thể cho biết trong lựa chọn đầu tư, DN Ấn Độ xem trọng những yếu tố nào?
- Trong đầu tư, DN Ấn Độ thường xem trọng 4 yếu tố, đó là: môi trường đầu tư thuận lợi, tiềm năng phát triển tốt, giao thông kết nối tốt, dễ dàng tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao. Nếu địa phương nào đáp ứng được các yêu cầu trên, tới đây sẽ thu hút được nhiều DN Ấn Độ đầu tư vào.
Theo tôi, Đồng Nai là nơi hội tụ đầy đủ các tiêu chí mà nhiều DN trong nước cũng như nước ngoài muốn thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản… Bên cạnh đó, khoảng cách di chuyển từ Ấn Độ đến Việt Nam cũng như Đồng Nai khá gần nên tạo thuận lợi hơn cho DN trong di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Hiện Ấn Độ đang xúc tiến mở đường bay thẳng đến Việt Nam và thời gian chỉ từ 3-4 tiếng. Khi có đường bay thẳng, tôi nghĩ ngoài mở rộng đầu tư, thương mại thì còn có nhiều cơ hội để phát triển du lịch giữa hai nước.
Hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ xếp thứ 8 trên thế giới và nhập khẩu xếp thứ 10. Mục tiêu của Ấn Độ là sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu lên 60% GDP trong những năm tới.
* DN Ấn Độ hiện có những thế mạnh trên những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Những năm gần đây, Ấn Độ phát triển rất nhanh trên lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp, y tế. Do đó, đây là những lĩnh vực các DN Ấn Độ đang muốn mở rộng đầu tư sang các nước, trong đó có Việt Nam. Dự kiến, trong cuối năm 2022, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện và sẽ có khoảng 500-600 DN Ấn Độ đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trao đổi với Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM về môi trường đầu tư của Đồng Nai
TĂNG XUẤT NHẬP KHẨU SONG PHƯƠNG
Tính đến giữa năm 2022, có hơn 300 DN Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD. Còn nếu tính cả nguồn vốn của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ 3 thì nguồn vốn khoảng 2 tỷ USD.
* Hiện nay, các DN Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Ấn Độ và ngược lại, Ấn Độ đang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam. Trong thời gian tới, ông sẽ làm gì để thúc đẩy mở rộng hơn nữa thương mại giữa hai nước?
- Thời gian qua, các mặt hàng Việt Nam đang nhập khẩu chính từ Ấn Độ là: sản phẩm điện tử, sắt thép, ngũ cốc, bông, thịt, hải sản và xuất khẩu nhiều sang Ấn Độ hàng điện tử, hóa chất, nhựa, đồng. Các DN Ấn Độ cũng muốn liên kết đầu tư vào những ngành trên để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho nhau. Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến giao thương giữa hai nước, nhưng hiện dịch bệnh đã được khống chế, việc đi lại thuận lợi, đặc biệt tới đây có đường bay thẳng sẽ giúp cho thương mại được mở rộng.
Như đã nói ở trên, hiện Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM đang phối hợp với một số cơ quan gấp rút tổ chức sự kiện lớn tại Việt Nam và trong đó sẽ có sự tham dự của hàng trăm DN, tập đoàn lớn của Ấn Độ. Tại sự kiện này, DN Việt Nam có thể tham gia để trao đổi kinh nghiệm và tìm thêm các đối tác để ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm với nhau.
* Trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đã làm gì để giao thương giữa Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục được duy trì, giúp DN ổn định sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa?
- Dịch bệnh Covid-19 khiến trong một thời gian dài việc giao thương giữa các DN bị ảnh hưởng. Để giảm bớt những tác động tiêu cực, trong hơn 2 năm qua, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đã tổ chức hơn 100 cuộc kết nối trực tuyến giữa các DN Việt Nam ở khu vực phía Nam với DN Ấn Độ. Qua các đợt kết nối trên có nhiều DN giữa hai nước đã ký kết đơn hàng, giúp cho chuỗi cung ứng hàng hóa thuận lợi hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu từ Bộ Công thương, Ấn Độ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao với dân số 1,4 tỷ người. Đây là thị trường lớn có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa. Giao thương giữa Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2021 đạt hơn 11 tỷ USD và năm 2022 dự kiến đạt 13 tỷ USD. Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ.