BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Phía Nam
TP.HCM mời gọi đầu tư vào khu công nghệ cao
Thứ Tư, 06/07/2022 02:42
TP.HCM mời gọi đầu tư vào khu công nghệ cao

Các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ thuế thu nhập doanh nghiệp đến thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất…

Triển khai nhiều ưu đãi

Trong năm 2022, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư, gồm các dự án nghiên cứu phát triển - ươm tạo - đào tạo; sản xuất công nghệ cao - ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ công nghệ cao; Trung tâm quản lý điều hành dịch vụ công nghệ cao; nhà xưởng thông minh phục vụ các ngành công nghệ 4.0; Trung tâm logistics Khu công nghệ cao.

Chia sẻ những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và chính sách ưu đãi, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, có 4 tiêu chí lựa chọn gồm: năng lực kinh nghiệm; năng lực tài chính; năng lực công nghệ; hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Khi đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, những dự án đầu tư mới vào khu kinh tế, khu công nghệ cao, hoặc dự án đầu tư mới vào lĩnh lực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển trong Khu công nghệ cao… sẽ được miễn, giảm 10% trong 15 năm.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được miễn, giảm thuế suất 10% (không quá 30 năm) nếu đáp ứng được một trong các tiêu chí như: sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm (chậm nhất sau 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư); sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động được xác định theo quy định của pháp luật về lao động.

Đối với những dự án đầu tư mới có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân ít nhất 1.000 tỷ đồng trong 3 năm, có trung tâm R&D, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng…, sẽ được giảm thuế suất 5 - 9% trong thời gian từ 30 đến 37 năm.

“Hoạt động thu hút đầu tư của Khu công nghệ cao TP.HCM đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư nhằm chọn lựa được những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án nhanh và hiệu quả, góp phần vào phát triển nhanh và bền vững Thành phố”, bà Loan chia sẻ.

Gỡ điểm nghẽn về thủ tục đầu tư

Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao 2022 do Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức mới đây, bên cạnh sự hào hứng muốn đầu tư vào các dự án mà Ban Quản lý đang mời gọi, nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn khi thủ tục đầu tư còn chậm.

Đại diện Công ty TNHH Ascendas Saigon Bund cho biết, quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 chậm do việc chuyển giao thẩm quyền giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao - UBND TP. Thủ Đức, có khả năng tiếp tục kéo dài do phải đợi điều chỉnh Quy hoạch 1/2.000 của Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo đại diện Ascendas Saigon Bund, Dự án Tuyến Metro số 1 triển khai rất chậm so với dự kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội kinh doanh của Dự án. Công ty cũng đề xuất được kết nối vào cầu bộ hành nhà ga Metro số 12 của tuyến Metro số 1 từ tháng 11/2020, nhưng vẫn chưa được UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt, dù đề xuất đã nhận được ý kiến ủng hộ bằng văn bản của các sở, ban, ngành có liên quan…

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua, chính quyền Thành phố đã nỗ lực, song việc giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp còn chậm, thậm chí có những hồ sơ chậm nhiều năm. “Việc chậm trễ sẽ khiến các doanh nghiệp mất cơ hội, phát sinh rất nhiều chi phí và chính quyền Thành phố cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Mãi nói.

Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp đến quỹ đất để phát triển lĩnh vực logistics, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm vấn đề này và sẽ họp về việc tái cơ cấu các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong đó, một số khu công nghiệp sẽ chuyển đổi công năng sang logistics, như Khu công nghiệp Tân Bình, Bình Triệu sẽ có lộ trình phát triển, tính lại công năng để phát triển logistics sau khi hết thời hạn.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cam kết, sẽ cắt giảm tối đa thời gian, chi phí và áp dụng một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 3652
Thông báo