BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Cơ hội đầu tư
Một số vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài tại Malaysia
Thứ Ba, 28/10/2014 02:15
Một số vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài tại  Malaysia

Malaysia nổi bật là một trong những nước phát triển kinh tế thành công tại Châu Á trong vài thập kỷ qua. Từ một nước nông nghiệp khi mới độc lập với sản phẩm cao su và thiếc chiếm một nửa GDP, Malaysia đã trở thành một nước có nền kinh tế mở và đa dạng.

GDP bình quân đầu người cao gấp 7 lần so với năm 1980 (theo sức mua) và Malaysia  đã trở thành một trong những quốc gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua thương mại. Phân phối thu nhập giữa những nhóm bản địa cũng đã được cải thiện vượt bậc kể từ năm 1960. Malaysia hiện giờ là nền kinh tế giàu thứ hai trong khối ASEAN, đứng sau Singapore. Malaysia đặt mục tiêu sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020.

1.     Tình hình thu hút FDI tại Maylaysia

Trong nền kinh tế Malaysia, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài định hướng xuất khẩu đóng vai trò đầu tầu trong phát triển kinh tế. Một loạt sáng kiến chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận dòng vốn FDI đã được đưa ra, từ Luật Khuyến khích đầu tư năm 1968, hay việc thành lập các Khu Thương mại Tự do trong thời kỳ đầu của thập kỷ 1970, tới các biện pháp khuyến khích xuất khẩu và đẩy mạnh chính sách kinh tế mở trong những năm 1980 đã dẫn đến tăng trưởng đột biến của dòng vốn FDI vào cuối năm 1980.

Chính sách công nghiệp của Malaysia đã chuyển từ định hướng số lượng sang mục tiêu thu hút FDI cả về lượng và chất. Mô hình Kinh tế Mới (NEM) là kế hoạch kinh tế được công bố tháng 3/2010 với định hướng tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 và FDI là nguồn lực không thể thiếu để đạt được mục tiêu này. Thiếu hoặc hoặc mất đi kỹ năng và năng lực công nghệ thường được trích dẫn như những lý do chính của sự sụt giảm trong đầu tư tư nhân và FDI. NEM bao gồm kế hoạch tăng cường cung cấp nguồn nhân lực, cải tiến năng lực và nâng cấp công nghệ được dự kiến là có thể làm sống lại dòng đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Thành lập Tập đoàn Tài năng để thu hút công nhân lành nghề và chuyên nghiệp, những cải tiến trong hệ thống chuyển giao chính phủ và quan hệ đối tác công-tư, cải tạo hệ thống giáo dục và việc xác định các khu vực kinh tế trọng điểm mới là những hoạt động được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc nâng cao tính hấp dẫn của quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng chất lượng cao.

Hình dưới đây cho thấy, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu thời kỳ năm 2008 -2009, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh nhưng lại nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2010. Năm 2011 dòng vốn FDI có giảm nhẹ, sau đó tăng đều từ năm 2012 trở lại đây. Dự kiến trong các năm tới, dòng vốn FDI sẽ ổn định và tăng dần.

Hiện nay ngành sản xuất chế tạo vẫn là ngành chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng vốn FDI tại Malaysia, tiếp đến là khu vực dịch vụ, khai thác đá và khoáng sản. Ngành nông, lâm ngư và xây dựng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu FDI theo ngành của Malaysia.

Trong khu vực sản xuất, ngành điện - điện tử (E&E) luôn là ngành dẫn đầu xét trên tiêu chí số các dự án cũng như tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là các sản phẩm luyện kim, thép, thiết bị giao thông, hóa chất và thực phẩm. Chính phủ Malaysia hy vọng hướng các nhà đầu tư nước ngoài và nội địa đầu tư vào các lĩnh vực mới phát triển với công nghệ tiên tiến, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao và các ngành tập trung vốn cũng như các hoạt động R&D.




2.     Chính sách thu hút đầu tư tại Malaysia

Trước những năm 1970, kinh tế Malaysia phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu cao su và thiếc, tỷ lệ thất nghiệp cao, các ngành công nghiệp trong nước phát triển rất yếu kém do thiếu vốn, thị trường hạn hẹp, công nghệ và kỹ năng quản lý kém. Thời kỳ này, chính phủ Malaysia chủ trương khuyến khích các ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Luật ưu đãi đầu tư năm 1968 đã đưa ra các ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài dựa trên các tiêu chí về tổng vốn đầu tư lớn và tạo nhiều việc làm. Dòng vốn ĐTNN vào Malaysia trong lĩnh vực lắp ráp điện tử, dệt may đã tăng lên và một số lượng việc làm đã được giải quyết .

Sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 1985 – 1987, chính phủ Malaysia đã có  chính sách thông thoáng hơn đối với việc thu hút ĐTNN, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến. Từ năm 1986, Chính phủ Malaysia bắt đầu thay đổi chính sách thu hút FDI, mặc dù những chính sách này chỉ mang tính tạm thời. Năm 1986, Luật Khuyến khích đầu tư đã được ban hành thay cho Luật ưu đãi đầu tư năm 1968. Chính phủ Malaysia chấp nhận các dự án 100% vốn nước ngoài nếu xuất khẩu 50% hoặc hơn sản phẩm, bán 50% hoặc hơn hàng hóa cho các Khu công nghiệ. Tuy nhiên, chính sách này chỉ được áp dụng đối với các dự án FDI  được cấp phép từ 1/10/1986 đến cuối năm 1990. Chính sách này sau đó được áp dụng mở rộng tới ngày 31/10/1991. Vào đầu những năm 1990, chính sách này được thay đổi và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được chấp nhận nếu  dự án xuất khẩu 80% hoặc hơn sản phẩm của mình.

 Một số ưu đãi được đưa ra như miễn thuế, trợ cấp thuế cho các sản phẩm chế biến xuất khẩu, các địa bàn thuộc khu vực khuyến khích đầu tư công nghiệp. Đồng thời, trong giai đoạn này, Malaysia đã tiến hành thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp lần thứ nhất (1985 – 1995).

Thời kỳ này mục tiêu xây dựng chính sách của Malaysia là hướng về xuất khẩu. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm hoặc sử dụng từ 350 lao động trở lên. Cùng với chiến lược hướng vào xuất khẩu, Malaysia cũng khuyến khích các dự án tạo việc làm, đầu tư mở rộng, cải thiện cơ cấu ngành công nghiệp và phát triển tại các khu vực nông thôn (Một doanh nghiệp sẽ được xếp vào diện ưu tiên nếu có lao động thường xuyên từ 500 người trở lên hoặc vốn giải ngân từ 25 triệu RM trở lên hoặc doanh nghiệp sản xuất sẽ được cấp thời hạn ưu đãi 10 năm, doanh nghiệp thực hiện đầu tư mở rộng sẽ được giảm 40% thuế)

Trong giai đoạn này, Malaysia trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm mủ cao su và hóa chất cọ. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất ô tô, các nhà máy sản xuất thép, xi măng, nguyên liệu từ cao su, dầu cọ khá phát triển.

Trong những năm 1990, khi Malaysia không còn là nước có giá trị nhân công thấp và phải đối mặt với thực trạng thiếu lao động có tay nghề, trình độ R&D thấp, thiếu sự liên kết giữa các công ty đa quốc gia (MNCs) và doanh nghiệp địa phương, chính phủ Malaysia đã rà soát lại toàn bộ các ưu đãi của Luật Khuyến khích đầu tư năm 1986 theo hướng khuyến khích đầu tư có lựa chọn, ưu đãi đầu tư dành cho các dự án có công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, có liên kết công nghiệp. Ngoài ra, Malaysia khởi động kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp lần thứ 2 (1996 -2005) hướng tới các ngành công nghiệp chế biến, phát triển cụm công nghiệp, xây dựng tập đoàn phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, thành lập công viên công nghệ và tập trung vào phát triển nguồn nhân lực.

Chương trình Liên kết công nghiệp (ILP) được giới thiệu vào năm 1995 - 1996 như một công cụ chính sách mới để thực hiện Kế hoạch Tổng thể Phát triển Công nghiệp lần hai 1996-2005 cùng với sự ra đời của Tổng công ty Phát triển công nghiệp vừa và nhỏ (SMIDEC) vào năm 1996. ILP có ba nội dung: (i) Các công cụ khuyến khích tài chính, (ii) Liên kết kinh doanh và (iii) Gói hỗ trợ cung cấp nơi đặt nhà máy sản xuất, R&D, nâng cấp công nghệ, phát triển thị trường xuất khẩu. Việc kết nối kinh doanh được thực hiện bởi SMIDEC và các nhà cung cấp và các doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách miễn thế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm hoặc trợ cấp thuế đầu tư 60%, các doanh nghiệp chủ đạo cũng có thể áp dụng cho các khoản phụ cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.

Tuy nhiên, hiện nay, chính sách của Malaysia không nhấn mạnh đặc biệt vào các lĩnh vực như ô tô, điện tử hoặc liên kết kinh doanh giữa MNCs và doanh nghiệp trong nước. Định hướng chính sách hiện nay của chính phủ Malaysia là phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị hay một số lĩnh vực mới (công nghệ sinh học, quang điện tử, công nghệ không dây và vật liệu tiên tiến). Chính sách của Malaysia đã chuyển sang định hướng thu hút ĐTNN có chất lượng. Mô hình kinh tế mới (NEW) được công bố vào tháng 3 năm 2010 với mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020. Chính phủ hy vọng sẽ tạo ra nhiều doanh nghiệp trong nước cạnh tranh độc lập, không liên kết với công ty đa quốc hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn chung, chính sách thu hút FDI nói chung và chính sách thuế trong thu hút FDI của Malaysia nói riêng về cơ bản là tương đối đồng bộ và nhất quán đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Malaysia đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút FDI tương đối đồng bộ, thông thoáng, nhất quán và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những cam kết bảo đảm sở hữu; tạo lập môi trường chính trị - xã hội ổn định; nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… Malaysia còn có những chính sách khuyến khích ưu đãi về thuế. Qua đó, đã tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách thuế thu hút FDI của Malaixia ngoài tính ổn định, minh bạch, chính sách thuế thu hút FDI của Malaysia cũng thể hiện tính linh hoạt, kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế. Chính sách thuế thu hút FDI đã hướng vào một số lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia, từ đó góp phần tạo lập cơ cấu ngành kinh tế năng động và hiệu quả hơn. 

Số lượt đọc: 3898
Thông báo