BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Cơ hội đầu tư
Cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga
Thứ Ba, 28/10/2014 11:25
Cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga

Trong khuôn khổ dự án “Nga - Việt: Nền kinh tế mới”, đoàn doanh nghiệp Liên bang Nga vừa có chuyến thăm và làm việc với các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam trong các ngày từ 20 - 25/10/2014. Đây được xem là cơ hội tốt để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và khoa học công nghệ giữa hai bên.

Hiện nay, quá trình đối thoại tham gia hợp tác công nghệ giữa hai nước qua việc thực hiện dự án “Nga-Việt: Nền kinh tế mới” đang phát triển tích cực. Các doanh nghiệp Nga không chỉ quan tâm việc tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực truyền thống như: kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục, mà còn muốn hợp tác sâu rộng hơn trong phát triển công nghệ mới - lĩnh vực có tiềm năng lớn của cả hai bên.

Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên bang Nga và Việt Nam là rất lớn

Trong chuyến thăm và làm việc lần này, đoàn có nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo các công ty công nghệ cao của Nga với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Ngân hàng Việt - Nga, Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, còn diễn ra nhiều cuộc hội thảo bàn tròn giữa các doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, đoàn doanh nghiệp Nga cũng có các buổi làm việc, hội đàm với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và các liên doanh quan tâm trong việc tổ chức hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ dài hạn với các doanh nghiệp Nga.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Strozhaeva Lubov Viktorovna, Chủ nhiệm dự án “Nga - Việt: Nền kinh tế mới” đồng thời là trưởng đoàn đại biểu doanh nghiệp đổi mới Liên bang Nga cho biết, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại và công nghệ giữa Nga và các nước Đông Nam Á được tăng cường. Đặc biệt, sự phát triển quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam-Nga, dựa trên tiền đề quan hệ hợp tác truyền thống và được các nhà lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy hợp tác chiều sâu trong các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật và giáo dục.

Theo bà Strozhaeva Lubov Viktorovna, trải qua 3 năm thực hiện dự án, tuy về số lượng dự án hợp tác chưa thể hiện bằng con số nhưng cơ bản doanh nghiệp hai nước đã có cơ hội tìm kiếm sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Bà Strozhaeva Lubov Viktorovna khẳng định, trong những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế. Việc có thể đẩy mạnh hợp tác liên quốc gia giữa Liên bang Nga và Việt Nam sẽ khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ...; hợp tác phát triển cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Cùng với hoạt động nhằm thực hiện các dự án lớn Nga - Việt, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, hợp tác công nghệ và đầu tư của doanh nghiệp đổi mới vừa và nhỏ của hai nước, cơ sở hợp tác công nghệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam ở cấp Chính phủ trên địa bàn rộng của doanh nghiệp tư nhân cũng đã được thiết lập. Đặc biệt, hợp tác năng lượng được coi là một trong những lĩnh vực hợp tác mũi nhọn, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của hai nước cũng như quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Đề cập tới triển vọng của quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai bên đã đạt nhiều thành tựu, thông qua việc thực hiện các dự án công nghệ cao của cả hai nước trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau ở nhiều cấp độ và cụ thể nhất là ở cấp độ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và Chính phủ hai phía, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển dựa vào sự đổi mới.

Doanh nghiệp Nga coi trọng việc phát triển mở rộng thị trường tại Việt Nam

Thị trường Việt Nam với gần 90 triệu người tiêu dùng và cửa ngõ tiếp cận thị trường rộng lớn khác nhờ sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, các khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản,... sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Liên bang Nga.

Ông Shirkovets Andrey Ignorevich, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế và kỹ thuật của Công ty TNHH Bolid (công ty thiết bị điện và thiết bị chiếu sáng) cho biết, công ty Bolid đã và đang hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, năm 2012, Bolid đã ký biên bản hợp tác với Công ty thiết bị điện Đông Anh về sản xuất và chuyển giao công nghệ một phần của Bolid tại Việt Nam. Theo đó, tiến hành phát thử nghiệm tại trạm điện Bình An, Đông Anh, Hà Nội. Hiện, công ty đang vận hành thử nghiệm và hứa hẹn sẽ đạt kết quả quan trọng để mở rộng quy mô áp dụng các thiết bị này tại Việt Nam. Triển vọng hợp tác hai bên rất tốt khi tháng 6/2013, EVN đã sang Nga ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên về những nguyên tắc hợp tác và chế độ trao đổi thông tin. Ông Shirkovets Andrey Ignorevich nói: “Trong khuôn khổ biên bản hợp tác nói trên, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hoạt động hợp tác cụ thể với EVN, trước mắt đã thử nghiệm hệ thống đoản mạch tại Trạm điện Bình An... Dự kiến, cuối năm 2014 này, chúng tôi sẽ có chuyến thăm Việt Nam lần nữa để tổng kết dự án thử nghiệm, trên cơ sở kết quả thực hiện dự án sẽ đi đến ký kết hợp đồng với các nội dung công việc cụ thể và thời hạn thực hiện chi tiết hơn. Chúng tôi rất mừng khi hợp tác với một đối tác tại Việt Nam là EVN. Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự cộng tác hai bên và hy vọng vào thành công tốt đẹp”.

Trong khi đó, theo ông Chekanov Valeriy Vladimirovich, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mở “Dự án tàu điện ngầm Minskmetroproekt', công nghệ của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hoạt động của công ty. Ông Chekanov Valeriy Vladimirovich nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia vào đoàn thăm và làm việc với các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở khả năng của công ty chuyên về chế tạo máy, phát triển công nghệ với các công cụ ô tô, tải nặng, máy xúc, máy đào, máy nâng cùng các phương tiện giao thông công cộng: tàu điện bánh sắt, tàu điện bánh hơi, ô tô buýt... mà Việt Nam đang rất cần, chúng tôi tin công ty chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng”.

Bà Alechxandrovich Kseniya Yurievna, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế và tài chính Công ty TNHH Vineta (công ty thiết bị trao đổi nhiệt, thiết bị xử lý nhiên liệu, thiết bị nước sạch, lọc nước và tàu thủy...) cho biết, đây là lần đầu tiên công ty Vineta đến Việt Nam nhưng với tiềm năng của thị trường, công ty rất hy vọng vào sự cộng tác và phát triển tại Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, bà Alechxandrovich Kseniya Yurievna bày tỏ: Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và công ty Vineta hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu mà thị trường Việt Nam cần. Dự kiến, công ty có thể mở văn phòng đại diện hoặc tìm đối tác hợp tác của Việt Nam bước đầu giới thiệu sản phẩm, sau đó, có thể mở rộng quy mô và phạm vi hợp tác hoạt động. “Trong hoạt động của đoàn lần này, công ty tôi sẽ từng bước tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu và đối tác của thị trường Việt Nam, đồng thời sẽ có kế hoạch phát triển lâu dài, mở rộng quy mô tại đây” – bà Alechxandrovich Kseniya Yurievna nói.

 

Tiến sỹ Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện RISME (Ảnh: HNV)


Tiến sỹ Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Viện RISME) cho hay, hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên Việt Nam – Nga trong thời gian qua có nhiều phát triển. Với việc triển khai hoạt động của Dự án “Việt Nam – Nga: Nền kinh tế mới”, hy vọng hai bên sẽ có những nghiên cứu đồng bộ, mục tiêu chi tiết hơn để hợp tác hiệu quả đồng thời đòi hỏi tổ chức nghiên cứu và đáp ứng điều kiện đầu tư liên doanh sản xuất công nghệ của hai bên. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần công nghệ, trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm quản lý của Nga – một trong những đối tác truyền thống, hợp tác toàn diện và lâu dài. Trong bước chuyển đổi kinh tế của Nga từ hướng Đông sang hướng Tây, từ châu Âu sang châu Á, Việt Nam được chọn là đối tượng ưu tiên nên triển vọng hợp tác hai bên là rất lớn./.

(ĐCSVN)

Số lượt đọc: 1276
Thông báo