Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, đặc biệt là sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2009.
Không chỉ trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, với hàng loạt chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam sau khi nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào tháng 9 năm ngoái, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác lao động, du lịch, văn hóa - giáo dục… Việt - Hàn đã liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Có thể nói, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 3,55 tỷ USD vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm.
Nếu tính lũy kế, con số này là trên 33,4 tỷ USD, đứng thứ hai (sau Nhật Bản) trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, riêng Tập đoàn Samsung đã đầu tư hơn 6,85 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đồng thời đang lên kế hoạch đầu tư một loạt dự án lớn khác tại TP.HCM, Hà Tĩnh, Khánh Hòa...
Hàn Quốc hiện cũng là bạn hàng lớn của Việt Nam khi thương mại hai chiều năm 2013 ở mức 27,5 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2007. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc 5,1 tỷ USD và nhập khẩu từ quốc gia này 15,6 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là thị trường mà Việt Nam phải nhập siêu rất lớn (sau Trung Quốc). Cả hai quốc gia đã đặt mục tiêu đưa thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020 và đang tích cực để có thể sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại hai chiều.
Trong quan hệ hợp tác, Hàn Quốc còn là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ hai cho Việt Nam (sau Nhật Bản) với cam kết trị giá 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012 - 2015. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA, là một trong 26 nước thuộc “đối tác chiến lược hợp tác ODA” với ba trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hai bên đang trao đổi việc Hàn Quốc sẽ cung cấp vốn vay kém ưu đãi cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016 kết hợp với nguồn tín dụng xuất khẩu để sử dụng cho các dự án hạ tầng quy mô lớn, năng lượng, đường sắt nội đô, cảng hàng không, cảng biển…
Là quốc gia có nhiều điểm tương đồng văn hóa với Việt Nam, không ngừng vươn lên sau khó khăn, lập nên kỳ tích sông Hàn, Hàn Quốc cũng đã, đang và luôn sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm vượt khủng hoảng, chia sẻ tri thức và hợp tác phát triển khoa học - công nghệ…
Có thể nói, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang được mở rộng hiệu quả sang nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Park Geun-hye, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc vì sự thịnh vượng chung, nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ không chỉ đối với các vấn đề trong khuôn khổ song phương mà cả các vấn đề cộng đồng quốc tế đang đối mặt.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye, hội kiến Thủ tướng và lãnh đạo Quốc hội, gặp lãnh đạo Đảng cầm quyền Sa-nu-ri, đồng thời gặp một số doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc...
Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn, đồng thời nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, với trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực khác.