Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực về vấn đề giải ngân các dự án đầu tư. Xin Thứ trưởng cho biết điều này phản ánh nỗ lực thế nào của Việt Nam và các nhà đầu tư?
Trong 6 tháng đầu năm 2013 giải ngân của các dự án FDI đạt 5,7 tỷ USD tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012. Không những vốn giải ngân tăng mà vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm cũng đạt 10,47 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2012. Đây đúng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn của chúng ta trong năm nay. Đạt được kết quả này là do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà đầu tư.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước thì trước hết phải nói đến nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay từ cuối năm 2012 CP đã ban hành chỉ thị số 32/CT –TTg ngày 7/12/2012 về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Ngay sau đó CP đã ban hành Nghị quyết 01 và 02 về các giải pháp chỉ đạo điều hành và các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó các Bộ, ngành và địa phương cũng đã rất tích cực trong việc hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Những nỗ lực nêu trên của Chính phủ và các cơ quan đã có những tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng qua đó thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI.
Về phía các nhà đầu tư con số giải ngân tích cực nêu trên cho thấy rằng các nhà đầu tư đã có những nhìn nhận và nhận định tích cực về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới nên họ đã mạnh dạn giải ngân vốn để triển khai các dự án đầu tư mặc dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là một tín hiệu rất tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa vốn giải ngân trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, thu hút ĐTNN của Việt Nam đang có xu hướng phải cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanma, Indonesia,… Theo Thứ trưởng đây có phải là lý do khiến thu hút ĐTNN của Việt Nam đang có xu hương tăng chậm lại.
Hiện cạnh tranh trong thu hút ĐTNN đang diễn ra rất gay gắt giữa các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đối với Việt Nam chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, thậm chí cả Lào và Campuchia. Theo quan điểm của tôi thì cạnh tranh là một xu hướng tất yếu. Xét về một khía cạnh nào đó thì cạnh tranh có tác động tích cực đối với Việt Nam bởi vì thông qua cạnh tranh sẽ tạo động lực lớn cho chúng ta cải thiện luật pháp, chính sách, môi trường đầu tư. Qua đó chúng ta sẽ có một môi trường đầu tư lành mạnh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn và phát triển bền vững hơn.
Về nhận định cạnh tranh là một trong những lý do khiến thu hút ĐTNN vào Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại thì tôi đồng tình với nhận định này. Tuy nhiên ở đây chỉ thể hiện nguồn vốn đăng ký còn vốn đầu tư thực hiện thì vẫn được duy trì đều ở mức 10,5 – 11 tỷ USD trong những năm qua. Điều này thể hiện rằng môi trường đầu tư của ta vẫn ổn định, các nhà đầu tư vẫn rất tin tưởng và lạc quan về môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng chúng ta bằng lòng với chính mình mà chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thu hút ĐTNN sẽ suy giảm trong các năm tới.
Trong định hướng thu hút ĐTNN của Việt Nam, làm thế nào để Việt Nam vừa duy trì mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư vừa thu hút được những dự án có chất lượng.
Định hướng thu hút ĐTNN của Việt Nam trong thời gian tới là thu hút đầu tư có chọn lọc. Chúng ta chỉ thu hút các dự án có chất lượng, có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, các dự án trong những ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang cần phát triển như CN hỗ trợ, CN chế biến chế tạo, Nông nghiệp,….
Để vừa duy trì mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư vừa chọn lọc được các dự án có chất lượng thì chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đó là:
- Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011 – 2020, đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
- Tháo gỡ những nút thắt hiện nay của nền kinh tế trong thu hút ĐTNN, đó là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.
- Tăng cường công tác thẩm định cấp Giấy CNĐT nhất là đối với các dự án lớn theo hướng chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn, có chế tài hoặc yêu cầu nhà đầu tư đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trên nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động này?
Có thể nói xu hướng đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây đang có sự gia tăng đáng kể. Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài...
Phần lớn các dự án đầu tư quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư nên hiệu quả kinh tế của ĐTRNN chưa lớn và chưa có những đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước trong thời gian qua. Tuy nhiên cũng đã có một số dự án hoạt động hiệu quả và đã đạt được những lợi ích kinh tế nhất định cho nhà đầu tư như các dự án xây dựng mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Lào, Campuchia, Mozambique; các dự án phát triển, khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Nga, Malaysia...
Đầu tư ra nước ngoài cần phải có thời gian để triển khai dự án và mang lại hiệu quả kinh tế cho nước đầu tư. Tôi tin tưởng rằng trong các năm sắp tới các dự án ĐTRNN sẽ phát huy hiệu quả và sẽ có những tác động tích cực và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong hoạt động ĐTRNN, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm ưu thế về nguồn vốn và dự án. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc sử dụng nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước cho việc đầu tư nước ngoài trong bổi cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đầu tư trong nước còn yếu. Vậy hiện chúng ta đã có những cơ sở pháp lý nào để đảm bảo cho hiệu quả của dự án ĐTRNN?
Trong hoạt động ĐTRNN hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn là các đơn vị đi đầu trong các lĩnh vực và địa bàn thúc đẩy đầu tư của Việt Nam theo định hướng của Chính phủ. Các dự án của khối doanh nghiệp này đều là các dự án phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, thường có quy mô vốn đầu tư khá lớn, ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận còn góp phần thực hiện các mục tiêu an ninh quốc phòng của quốc gia và định hướng chiến lược phát triển của ngành.
Các dự án của khối doanh nghiệp nhà nước khi đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và các quy định riêng về sử dụng vốn nhà nước. Có thể nói, hệ thống văn bản hiện tại về đầu tư ra nước ngoài bao gồm các quy định về cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn đầu tư, vấn đề tài chính đã được các Bộ, ngành liên quan xây dựng một cách tương đối đầy đủ, thậm chí một số lĩnh vực đặc thù như ĐTRNN trong lĩnh vực dầu khí, trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng có nhưng văn bản pháp luật điều chỉnh riêng. Tuy nhiên, các quy định về quản lý đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước nói chung và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng cũng còn nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, do hoạt động ĐTRNN xảy ra ở ngoài biên giới lãnh thổ, còn chịu sự tác động của luật pháp của các quốc gia khác, quốc tế và khu vực, do đó, việc quản lý chặt chẽ các dự án ĐTRNN, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn nhà nước vẫn cần có thêm các quy định cụ thể phù hợp với thực tế, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư này.
Song song với việc nghiên cứu, hoàn thiện thêm về hệ thống chính sách, cần đẩy mạnh công tác phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện công tác hậu kiểm đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài theo các quy định đã có.
Định hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thời gian tới là gì thưa Thứ trưởng?
Định hướng ĐTRNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 20/02/2009 về Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài”, cụ thể là:
- Về địa bàn ĐTRNN ưu tiên:
Ưu tiên ĐTRNN nhằm phát huy các tiềm năng từ bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước, cụ thể là tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga..., từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La tinh, Đông Âu, Châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam.
- Về lĩnh vực ưu tiên ĐTRNN:
Hỗ trợ các dự án ĐTRNN trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ các dự án ÐTRNN đáp dứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cục Đầu tư nước ngoài