BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Cơ hội đầu tư
Mở rộng cửa cho DN phân phối FDI: Bõ công nhòm ngó
Thứ Sáu, 28/03/2014 11:13
Mở rộng cửa cho DN phân phối FDI: Bõ công nhòm ngó

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bấy lâu vẫn nhòm ngó việc phân phối các mặt hàng thuộc Danh mục Hàng hóa không được quyền phân phối theo Quyết định 10/2007/QĐ-BTM có thể sẽ thỏa ước vọng, bởi Dự thảo Thông tư thay thế trong vấn đề này đang đi theo hướng rộng mở.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), đơn vị chấp bút Dự thảo Thông tư Công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho hay, thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Quyết định 10/2007/QĐ-BTM do Bộ Công thương ban hành trước đây. Theo kế hoạch, Thông tư mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2014.

Nói về những góp ý của người dân và doanh nghiệp cho Dự thảo này khi đã được đưa lên lấy ý kiến chính thức tại website của Bộ Công thương, ông Vỵ cũng cho hay, “có nhưng không nhiều”.

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo mới là các mặt hàng gồm: lúa gạo; đường mía, đường củ cải; thuốc lá và xì gà; dầu thô và dầu đã qua chế biến; dược phẩm; thuốc nổ; sách báo, tạp chí; kim loại quý và đá quý hay vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu… sẽ nằm trong Danh mục hàng hóa thực hiện quyền phân phối, thay vì thuộc Danh mục Hàng hóa không được quyền phân phối như đã được quy định tại Quyết định10/2007/QĐ-BTM.

Hai danh mục còn lại là Danh mục Hàng hóa không được quyền xuất khẩu và Danh mục Hàng hóa không được quyền nhập khẩu trong dự thảo mới không có gì thay đổi so với Quyết định 10/2007/QĐ-BTM trước đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một chuyên gia về chính sách trong lĩnh vực dầu khí ở khâu hạ nguồn cho biết, ông chưa hề biết gì về việc sẽ mở cửa cho doanh nghiệp FDI trong phân phối mặt hàng dầu thô và dầu đã qua chế biến mà Dự thảo đưa ra.

Ông này cho hay, dầu thô và dầu đã qua chế biến trước đây thuộc mã HS 2709 và 2710 vẫn là mặt hàng không mở cửa phân phối. Tuy nhiên, khi cấp phép đầu tư cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn lên tới 9 tỷ USD, với 75% giá trị góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, thì câu chuyện cho phép nhà đầu tư được phân phối sản phẩm xăng dầu mà họ sản xuất ra đã được đặt ra.

“Nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài khác tham gia thị trường xăng dầu nội địa sẽ phải có những quy định cụ thể, bởi cam kết bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam với các nhà đầu tư Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có kèm thêm điều kiện là sẽ không cấp phép thêm một dự án lọc dầu ở khu vực phía Bắc trong vòng 10 năm, kể từ khi Nhà máy đi vào vận hành thương mại”, ông này cho biết.

Cũng nói về việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong phân phối xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện có những quy định riêng, vì thế, mở cửa không có nghĩa là nghiễm nhiên được phân phối mà phải hội tụ đủ các điều kiện theo quy định về kinh doanh mặt hàng này.

Dẫu vậy, ông Bảo cũng cho rằng, mở cửa, nhưng không dễ thu hút được những gương mặt mới là nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bởi với cách thức và cơ chế hiện nay, thì đầu tư vào hệ thống cửa hàng như các doanh nghiệp đang làm sẽ lỗ lớn.

“Có xu hướng những nhà kinh doanh xăng dầu truyền thống tên tuổi như Shell, BP, Cantex không còn mặn mà kinh doanh xăng dầu ở một số thị trường trong khu vực quanh ta, vì vậy mới có chuyện các doanh nghiệp Việt Nam mua lại hệ thống phân phối xăng dầu của họ tại Lào”, ông Bảo nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia đến từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu thì, tùy chiến lược của từng công ty với từng thị trường. “Xăng dầu là mặt hàng rất thiết yếu, liên quan đến an ninh năng lượng, nên dù sao, nhà nước cũng sẽ có những cơ chế để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tồn tại. Chỉ có điều, cơ chế đó có thể phù hợp với doanh nghiệp này, nhưng lại không phù hợp với doanh nghiệp kia”, chuyên gia này nhận định.

Đối với mặt hàng là thuốc lá và xì gà, ông Bùi Nhật Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho hay, theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu thuốc lá và xì gà do nhà nước quản lý. Bộ Công thương sẽ chỉ định nhà nhập khẩu mặt hàng này và hiện đang giao cho duy nhất Vinataba thực hiện. Còn với lĩnh vực phân phối, khi nhà đầu tư nước ngoài vào thành lập liên doanh và sản xuất, gia công thuốc lá, tất nhiên, họ sẽ được quyền phân phối sản phẩm của mình làm ra.

Thanh Hương

Số lượt đọc: 453
Tin khác
Thông báo