Hội thảo do Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Viện
nghiên cứu phát triển – Trung tâm WTO TPHCM tổ chức ngày 14-11 tại
TPHCM.
Theo ông Kiên, những thuận lợi để Việt Nam khai thác, tận dụng, phát
triển hàng hóa tại ba thị trường này là sự thuận lợi lớn trong vận
chuyển, họ là nhóm nước phát triển chậm hơn so với các nước trong khu
vực, có nhiều chương trình hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng CLV
(Campuchia – Lào- Việt Nam, CLMV (Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam)…
Song song đó là những lợi ích từ các chương trình hợp tác khu vực như
khai thác cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, thuận lợi trong lưu thông
hàng hóa (cơ chế một cửa một điểm dừng), lợi thế khi về giá cả, chất
lượng…
Ông Kiên cũng dẫn chứng, tại thị trường Campuchia, năm 2013 kim ngạch
xuất nhập khẩu đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu chiếm 2,93 tỉ đô
la Mỹ, nhập khẩu chiếm 504 triệu đô la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu của
Việt Nam bao gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, hàng dệt may… các mặt
hàng nhập khẩu bao gồm cao su, hạt điều, gỗ, ngô, nguyên liệu thuốc lá…
Ở thị trường Lào, kim ngạch năm 2013 đạt 1,15 tỉ đô la Mỹ, trong đó
xuất khẩu đạt 458 triệu đô la Mỹ, nhập khẩu đạt 668 triệu đô la Mỹ, tăng
50% so với năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu là xăng dầu, sắt thép, phân
bón, phương tiện vận tải; nhập khẩu các mặt hàng gỗ, quặng, khoáng sản,
ngô…
Riêng về thị trường Myanmar, ông Kiên cho biết mặc dù mới mở hai năm
trở lại đây nhưng Myanmar là thị trường nóng, tiềm năng của nhiều nước.
Theo ông Kiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Myanmar ngày càng phát
triển và sẽ cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt.
Quan hệ song phương xuất khẩu giữa Việt Nam và Myanmar tăng lên gấp đôi
từ 120 triệu đô la Mỹ lên gần 250 triệu đô la Mỹ chỉ trong 1 năm từ
2012 đến 2013. Các sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị và hàng dệt may
hiện đang là những hàng hóa dẫn đầu về xuất khẩu của nước ta vào thị
trường Myanmar. Về nhập khẩu, gỗ và các sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng lớn
nhất (gần 70%) trong cơ cấu nhập khẩu chính từ Myanmar năm 2013; ngoài
ra còn có các mặt hàng rau, quả, thủy sản.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh khai thác hiệu quả các thị trường Campuchia, Lào
và Myanmar, Việt Nam cần nỗ lực vượt qua các rào cản do cơ chế, chính
sách quản lý của các nước này còn nhiều bấp cập; việc thanh toán còn
chưa thuận lợi, đặc biệt tại thị trường Myanmar.
Cũng tại hội thảo, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục xúc tiến
thương mại, Trưởng văn phòng đại diện tại TPHCM nhấn mạnh, Campuchia là
thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập
khẩu hai chiều hàng năm tăng trung bình trên 30%. Tổng kim ngạch xuất
khẩu 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1,95 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu sang
Campuchia 1,51 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu hơn 440 triệu đô la Mỹ.
Với thị trường Myanmar, tính đến hết quí 2-2014, kim ngạch xuất khẩu
đạt 163,04 triệu đô la Mỹ, tăng 64,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị
trường Lào, trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt sang Lào đạt
330 triệu đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2014, tăng 6,9% so với cùng kỳ
năm trước.
Bà An cũng chia sẻ những cơ sở pháp lý cũng như các giải pháp xúc tiến
thương mại để doanh nghiệp tận dụng cơ hội hiệp định AEC 2015 nói riêng
và các hiệp định thương mại được ký kết trong thời gian tới nói chung.
Bà An cho biết, từ đầu năm đến nay, thông qua các chương trình xúc tiến
thương mại quốc gia, chương trình xúc tiến đầu tư đã hỗ trợ hơn 2.500
lượt doanh nghiệp với giao dịch gần 62.000 lượt với các hợp đồng kinh tế
được ký kết giá trị 260 triệu đô la Mỹ, khách tham quan mua sắm trên 1
triệu lượt người và doanh thu đạt trên 150 tỉ đồng.
Về định hướng trong thời gian tới, bà An cho biết ngoài việc tập trung
vào các chương trình như xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu cũng
cần chú trọng đến xúc tiến thương mại thị trường trong nước.
Vũ Yến