BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Cơ hội đầu tư
"Sếp" Nhật của FPT chia sẻ chiến lược vào thị trường Nhật Bản
Thứ Sáu, 14/11/2014 09:21
"Sếp" Nhật của FPT chia sẻ chiến lược vào thị trường Nhật Bản

"Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên quá tập trung vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Bắc Mỹ đang là thị trường lớn nhất trên thế giới mà ngay cả các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn thành công".

Toàn cầu hóa là mục tiêu của Công ty cổ phần FPT. Công cuộc 'làm ăn với nước bạn' không hề dễ. Đâu là cơ hội, đâu là khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải trải qua để đến được-thành công được ở thị trường mục tiêu nước ngoài? Đây là một trăn trở lớn không chỉ của FPT mà của mọi doanh nghiệp Việt. 

Bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ với độc giả góc nhìn của ông Tomokazu Hamaguchi, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), nguyên chủ tịch kiêm CEO của NTT Data Corporation - công ty dịch vụ CNTT lớn thứ 6 toàn cầu. Ông Tomokazu Hamaguchi vừa được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của FPT trung tuần tháng 9 vừa qua.

Là chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn và không đại diện cho nhóm cổ đông nào tại FPT, vì sao ông nhận lời làm thành viên HĐQT độc lập cho doanh nghiệp này?

Tôi đã biết về FPT từ khi công ty này thành lập FPT Japan tại Nhật Bản năm 2005. Tại những kỳ diễn đàn của ASOCIO, Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương, mà hiệp hội Hiệp hội Công nghiệp dịch vụ CNTT Nhật Bản cũng là thành viên, tôi và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có nhiều dịp gặp gỡ và trao đổi.

Tôi được biết chiến lược của FPT là tập trung phát triển thị trường tại nước ngoài và tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi 2 lý do. Thứ nhất là để hỗ trợ mối quan hệ hợp tác trong ngành CNTT giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thứ hai là tôi sẽ tham gia để tư vấn thực hiện hiện chiến lược toàn cầu hóa của FPT.

FPT kỳ vọng sự có mặt của ông trong vai trò là thành viên HĐQT sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược toàn cầu hóa của doanh nghiệp này. Xin ông chia sẻ một vài định hướng của ông nhằm hỗ trợ chiến lược này của FPT trong thời gian tới?

Năm 2003, khi tôi trở thành CEO của NTT Data, công ty này đã bắt đầu xúc tiến chiến lược toàn cầu hóa rất mạnh mẽ. Đến nay, NTT Data đã có mạng lưới chi nhánh rộng khắp toàn cầu, với tổng số nhân viên là 76.000 người, trong đó nhân viên người Nhật Bản là 30.000 người. Tại các quốc gia khác, chúng tôi hoặc là thành lập công ty con, hoặc là tiến hành M&A. Với những kinh nghiệm sau nhiều năm thăng trầm cùng NTT Data, tôi tự tin có thể hỗ trợ quá trình toàn cầu hóa của FPT.

Theo kinh nghiệm của tôi khi tiến hành M&A thì FPT trước hết phải đánh giá lĩnh vực chuyên môn của công ty ấy có phù hợp với định hướng chiến lược của mình hay không. Thứ hai, tìm hiểu người đứng đầu của công ty ấy là người như thế nào. Thứ ba là việc M&A phải mang ý nghĩa tích cực, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ở NTT Data, khi bắt đầu M&A, chúng tôi chọn mua công ty có kinh nghiệm về SAP, với mục đích muốn giành được nhiều hợp đồng các công ty IT trong lĩnh vực này trên thế giới. Lý do chọn SAP là vì SAP là phần mềm ứng dụng đầu tiên mà người ta nghĩa đến khi triển khai hệ thống thông tin cho giải pháp về quản lý doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, NTT Data đã có mạng lưới công ty chuyên làm SAP trên tất cả các thị trường, và chúng tôi tự tin có thể cung cấp dịch vụ SAP cho bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Ở FPT, sau cuộc họp HĐQT lần đầu tiên, tôi thấy điểm chung ở ban lãnh đạo FPT là họ rất quyết tâm và quyết liệt đối với chiến lược toàn cầu hóa. Tôi cho đó là một điểm rất tốt. Thế mạnh thứ hai của FPT theo tôi là chi phí lao động đang ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa, chi phí trên đầu người hàng năm sẽ tăng lên, vì vậy người FPT cần đầu tư kỹ năng chuyên môn cho công việc thì công ty mới có thể phát triển được.

Hiện Nhật Bản đang được coi là thị trường trọng tâm trong gia công và xuất khẩu phần mềm của FPT. Ông sẽ làm gì để thúc đẩy kinh doanh của FPT tại thị trường này?

Theo tôi, để kinh doanh thành công tại thị trường Nhật thì chìa khóa đầu tiên là phải biết tiếng Nhật, sau đó là có kiến thức tốt về nghiệp vụ, về công việc của mình.

Hiện nay, cơ hội tại Nhật đối với các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều. Thứ nhất là bởi thị trường Nhật đã tới hạn, triển vọng để tăng trưởng thêm là không nhiều. Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản đang muốn thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1 (China plus 1) để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, Việt Nam đang là ứng cử viên số một.

Hiện nay, tất cả các công ty lớn như Hitachi, Fujitsu đều đang thực hiện hoạt động thuê ngoài ở Việt Nam. Tập đoàn NTT cũng vào Việt Nam từ rất sớm và hiện đã có trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.Vì vậy, nếu Việt Nam có thể tập hợp được nhiều kỹ sư có tiếng Nhật và có chuyên môn nghiệp vụ tốt thì cơ hội tại thị trường Nhật là vô cùng nhiều.

Thách thức lớn nhất của DN Việt Nam để có thể chinh phục thị trường Nhật và các thị trường khác ?

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên quá tập trung vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Bắc Mỹ đang là thị trường lớn nhất trên thế giới mà ngay cả các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn thành công tại thị trường này, rồi mới triển khai sang các thị trường khác.

FPT cũng đã bắt đầu đầu tư vào thị trường Bắc Mỹ từ rất sớm và hiện đang thúc đẩy hoạt động mạnh hơn nữa tại thị trường này. Với việc hình thành các định hướng chiến lược đúng đắn như vậy, tôi tin FPT sẽ thành công với chiến lược toàn cầu hóa. Việc cần làm bây giờ là phải chuẩn bị được nguồn kỹ sư nói được tiếng Nhật và cả tiếng Anh.

Kinh nghiệm đầu tiên để chinh phục thị trường Bắc Mỹ, và cả thị trường Châu Âu là phải sử dụng người lao động bản địa. Thứ hai là khi ký được hợp đồng, thì có thể chuyển cho công ty của mình tại Việt Nam để gia công, như mô hình mà FPT đã áp dụng cho các hợp đồng gia công xuất khẩu phần mềm cho các công ty của Nhật Bản.

                                                                                                                                Phương Chi

Số lượt đọc: 2310
Thông báo