BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Miền Bắc
Hợp tác công-tư cả trong việc nhỏ
Thứ Hai, 18/05/2015 03:41
Hợp tác công-tư cả trong việc nhỏ

Tại diễn đàn Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2015 vừa được tổ chức chiều 16/5, hai ông Vinh, một là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh và người kia là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã có những cam kết mạnh mẽ với doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Chúng tôi cam kết

'Chúng tôi cam kết' là cụm từ được ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhắc lại nhiều lần tại diễn đàn này. Với sự có mặt của hầu hết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Hà Giang muốn phát đi một thông điệp về sự cam kết lâu dài, chắc chắn cho những cái bắt tay chặt chẽ với doanh nghiệp trong những dự án đầu tư theo PPP.

Đánh giá về những hội nghị xúc tiến đầu tư từng được tổ chức nhưng hiệu quả không cao, ông Vinh cho rằng có nguyên nhân và lí do của nó. Đó là thiếu chủ trương mà nặng về ý chí chính trị, danh mục các dự án mời gọi đầu tư không hấp dẫn, và hơn hết là thiếu cam kết của chính quyền địa phương với hiện tượng 'tân quan, tân chính sách'.

Hà Giang muốn cam kết không lặp lại những điều đó, nhất là trong việc thực hiện các dự án đầu tư theo PPP và xã hội hóa. 'Chúng tôi cam kết sử dụng dịch vụ của các nhà đầu tư khi tham gia đối tác công-tư', ông Vinh nói.

Cụ thể, Hà Giang đã đem đến diễn đàn những dự án quan trọng của tỉnh như dự án nhà Hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính và Trung tâm Hội nghị của tỉnh với tổng mức đầu tư 603 tỷ đồng, định hướng đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, cụ thể là hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) hoặc BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

So sánh với việc đầu tư xây dựng chung cư, ông Vinh cho rằng đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước như dự án nhà Hợp khối này 'ít rủi ro hơn rất nhiều'. 'Bởi chúng tôi đảm bảo sẽ thuê lại lâu dài', ông Vinh nói.

'Hà Giang xây đường cao tốc đi'

Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn 'tôi ít khi đến những diễn đàn như thế này'. Tuy nhiên, ông vẫn đến và có những phát biểu nhiệt huyết, chân thành, không chỉ bởi vì đã gắn bó sâu đậm 37 năm với Tây Bắc, sự thấu hiểu những khó khăn của 'các bạn Hà Giang'; mà còn bởi những nỗ lực của tỉnh trong tăng cường hợp tác công-tư.

Trước khi trao đổi sâu về PPP, ông Vinh cho rằng việc đầu tiên cần tháo gỡ cho Hà Giang là cần tạo kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà tốt nhất là làm xuyên qua Tuyên Quang, rồi theo Quốc lộ 2 lên Hà Giang. 'Chúng ta cần một con đường cao tốc nữa để rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Giang về Hà Nội', ông Vinh chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT chia sẻ cái cần nhất đối với miền núi là hạ tầng. Khi chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phải mất cả ngày mới về đến Hà Nội, còn bây giờ chỉ mất 3h từ Lào Cai, hơn 5h từ Lai Châu là tới nơi. Một con đường cao tốc mở ra sẽ tạo thuận lợi rất nhiều, du khách đến nhiều hơn và rồi, các doanh nghiệp cũng đến nhiều hơn.

'Hà Giang rất quyết tâm, nếu có thêm con đường kết nối nữa thì sẽ thật tuyệt vời', ông Bùi Quang Vinh nói.

Hợp tác công-tư cả trong việc nhỏ

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng nhu cầu đầu tư của Hà Giang nói riêng và các tỉnh vùng cao nói chung là rất nhiều và cũng rất chính đáng. Tuy nhiên, nguồn lực để đầu tư của chúng ta còn hạn chế và chúng ta không thể trông chờ mãi vào 'bầu sữa nhỏ bé' của ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước chỉ là chất mồi, chất xúc tác, là đối ứng cho các nguồn khác như ODA và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của tư nhân, cả trong và ngoài nước.

Nghị định 15 về PPP được ký vào ngày 14/2/2015 - ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là cam kết quan trọng của Nhà nước đối với đầu tư theo hình thức đối tác công-tư. 'Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư lâu dài phải thu lại hiệu quả, bởi không ai mang tiền đi để thu lại bất lợi. Nhà nước phải cam kết với họ rằng rủi ro sẽ được chia sẻ và Nhà nước sẽ gánh phần hơn', ông Vinh nói.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT ví von nếu đầu tư một con đường theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và dự tính có 1 vạn xe đi lại/ngày thì sẽ thu hồi vốn trong vòng 20 năm. Nhưng, sau đó 'các ông hứng lên' làm con đường cao tốc ngay bên cạnh thì 'chết tôi rồi'. Như thế, xe đâu mà chạy trên con đường đã được đầu tư xây dựng trước đó nữa.

Vì vậy, theo ông Vinh, sự ra đời của Nghị định này không phải cái gì quá mới mà là sự nâng tầm của các nghị định, quyết định trước đây. Tuy nhiên, điều này đã đem lại một khung pháp lý tốt hơn và chặt chẽ hơn rất nhiều, thể hiện sự cam kết sòng phẳng đối với những người mang tiền ra đầu tư.

Với một tỉnh nghèo như Hà Giang, ông Vinh cho rằng cần tận dụng những khác biệt của Nghị định này so với thông lệ về đầu tư theo hình thức PPP trên thế giới. Trong khi hầu hết các nước chỉ áp dụng hình thức này cho các dự án dài hơi với quy mô lớn, ông và các cộng sự đã mất nửa năm trời để thuyết phục rằng, Việt Nam muốn mở ra một kênh cho các dự án PPP ở nông thôn, vùng cao, và trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp quy mô nhỏ…

Cho rằng đây sẽ là một tiềm năng rất lớn mà những địa phương như Hà Giang cần, ông Vinh lấy ví dụ là những hệ thống nước tự chảy được Nhà nước và các tổ chức quốc tế đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đã không phát huy được tác dụng bởi những lý do rất đơn giản như 'trâu bò đi qua giẫm hỏng'. Hay nhiều nơi tại đồng bằng Bắc Bộ, người dân lại không có nước sạch để dùng.

Nhưng câu chuyện này sẽ khác, nếu có một doanh nghiệp 'nho nhỏ thôi' đứng ra xây dựng một nhà máy nước để phục vụ nhu cầu của xã, khu vực đó. Do thiếu vốn và phải bán rẻ nên khi hạch toán kinh doanh thì sẽ lỗ, nên Nhà nước phải hỗ trợ 30-40% chi phí xây dựng chẳng hạn. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ làm và bán nước sạch cho người dân trong xã. Như vậy, Nhà nước chỉ bỏ 1 nửa vốn đầu tư nhưng hiệu quả xã hội sẽ rất lớn.

'Đây là một chương mới cho tất cả các vùng ở Việt Nam', ông Vinh hào hứng. Lẽ ra phải bỏ 100% ngân sách thì chỉ cần bỏ một phần nào đó. Hơn thế nữa, doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng sẽ chăm lo, bảo dưỡng, vận hành hiệu quả những công trình đó, bởi họ cần thu tiền để duy trì.

Không chỉ những dự án lớn của quốc gia, của tỉnh, không cần phải là doanh nghiệp to, chỉ cần có tâm huyết, biết tính toán và có sự cam kết chắc chắn từ chính quyền, thì một doanh nghiệp nhỏ với một dự án nhỏ cũng sẽ rất hiệu quả, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về xã hội.

Số lượt đọc: 1680
Thông báo